Thật bất ngờ khi biết bộ ảnh về các nàng tiên lừng lẫy thế giới năm 1920 lại được chính tác giả công bố là giả mạo.
Trong trí nhớ của những người yêu thích truyện cổ tích, thần thoại, Ông Bụt, Bà Tiên hay Tiên Nữ là những vị thần tốt bụng, có dung mạo đẹp đẽ, luôn cứu giúp dân chúng bằng phép thuật tài giỏi của mình.
Vậy mà trong đời thực, những nhân vật vốn chỉ là hư ảo này lại khiến không ít người phải bỏ ra tâm huyết cả đời để đi tìm những chứng cứ xác minh sự tồn tại của những sinh vật được gọi là tiên.
Chùm ảnh tiên nữ Cottingley lừng lẫy
Bộ ảnh "Cottingley Fairies" (Tạm dịch: Tiên nữ làng Cottingley) từng được biết tới là bằng chứng sống động về tiên, lừng lẫy thế giới những năm 1920.
Elsie Wright là nhân vật chính trong bức ảnh.
Bộ ảnh là tập hợp chùm 5 tấm do 2 chị em họ người Anh Frances Griffiths và Elsie Wright, sống tại làng Cottingley, thành phố Bradford, hạt West Yorkshire chụp. Được biết, các bức ảnh bắt đầu được chụp từ năm 1917, khi đó hai cô bé mới chỉ ở độ tuổi 10 và 16.
Ảnh Frances Griffiths bên các nàng tiên nữ.
Elsie và Frances cho biết, từ bé họ đã luôn tin vào những nhân vật hư cấu như tiên nữ hay người lùn. Hai chị em thường xuyên trốn cha mẹ ra suối để có cơ hội nhìn thấy tiên nữ rồi chụp lại làm bằng chứng. Được biết, bố của Elsie là một nhiếp ảnh nghiệp dư. Vì vậy, cô và Frances thường mượn máy ông để chụp lại những bức hình về tiên nữ.
Trong tổng cộng 5 tấm, có tới 4 tấm là hình Elsie và Frances xuất hiện bên cạnh những nàng tiên nhỏ xíu hay người lùn tí hon có cánh như trong truyện cổ phương Tây.
Khi bộ ảnh được công bố trước báo giới, ngay lập tức, Elsie và Frances trở nên nổi như cồn. Đa số người dân thời bấy giờ đều kháo nhau về những bức ảnh tiên nữ do hai cô bé chụp được ở Anh.
Một bức ảnh khác trong bộ "Cottingley Fairies".
Thậm chí, đến nhà văn Arthur Conan Doyle nổi tiếng với tiểu thuyết trinh thám "Sherlock Holmes" cũng bắt tay vào tìm hiểu huyền thoại bí ẩn này. Ông đã đưa các bức ảnh tới kiểm tra tại công ty ảnh Kodak, và được xác minh "những bức ảnh này không có dấu hiệu của giả mạo". Sau đó, nhà văn mới thực sự tin rằng, tiên là một loài sinh vật hoàn toàn có thật.
Ranh giới mờ ảo giữa hư và thực
Những tin đồn về bộ ảnh kỳ lạ của chị em Elsie và Frances được lan truyền rộng rãi cho tới năm 1921 thì dần dần lắng xuống. Sau đó, cả hai cũng lấy chồng và sang nước ngoài sinh sống. Đến năm 1966, Elsiequay trở lại Anh và thú nhận những bức ảnh tiên nữ năm xưa chỉ là một trò đùa do trí tưởng tượng của hai chị em thời nhỏ mà thôi.
Chú lùn tí hon cũng xuất hiện trong bộ ảnh.
Họ thừa nhận 4 trong số 5 bức ảnh đều được dàn dựng từ trước. Với những hình họa được cắt ra từ tạp chí, Elsie và Frances đã dùng cặp để ghim chúng lại, sắp xếp theo các bối cảnh, vị trí khác nhau rồi chụp.
Mặc dù khẳng định các bức ảnh là giả, nhưng hai chị em vẫn khăng khăng cho rằng đã thực sự nhìn thấy tiên và người lùn. Tưởng chừng, những nghi vấn về bộ ảnh tiên nữ đã hoàn toàn được giải đáp thì Franceslại đột ngột tuyên bố, bức ảnh thứ 5 được chụp vào năm 1920, và cũng là bức ảnh cuối cùng hoàn toàn là có thật.
Bức ảnh thứ 5 xuất hiện những sinh vật có thân hình trong suốt.
Bà cho biết, hôm đó hai chị em chỉ mang máy ảnh ra ngoài chụp và không có sắp xếp gì. Đột nhiên,Frances thấy các nàng tiên đang đậu trên những ngọn cỏ. Ngay lập tức, bà chĩa ống kính vào và chụp.
Những khẳng định này vẫn được bà Frances giữ vững cho tới khi bà qua đời vào năm 1986. Sau này, con gái của bà cũng đã xuất hiện trên một bài phỏng vấn của BBC để khẳng định những gì bà Frances nói hoàn toàn là sự thật.
Có thể rõ ràng thấy, bức ảnh cuối này có sự khác biệt hoàn toàn về phong cách chụp cũng như độ mờ ảo của nàng tiên trong ảnh. Đây là những sinh vật có thân hình trong suốt chứ không lộ liễu như 4 bức trên. Tuy nhiên, để phản biện lại, một số nhà nghiên cứu cũng đưa ra giả thiết, hình ảnh trong suốt đó là do kỹ thuật chụp lộ sáng kép của nhiếp ảnh mà thôi.
Theo: Kenh14.vn
______________________________________________
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/
No comments:
Post a Comment