Tuesday, November 26, 2013

Đồng dao phản cảm, nhà xuất bản Mỹ Thuật nói gì?

Đồng dao phản cảm, nhà xuất bản Mỹ Thuật nói gì? Nhà xuất bản Mỹ thuật đã lên tiếng về cuốn sách “Đồng dao cho trẻ mầm non” có nhiều nội dung phản cảm.

Nội dung phản cảm 

Gần đây, độc giả của VTC News có phản ánh về cuốn sách “Đồng dao cho trẻ mầm non” quyển 6 có nhiều nội dung không phù hợp dành cho trẻ mầm non. 

Trong bài “Đồng dao chơi vỗ tay”, nội dung bao gồm: “Bà gì?/ Bà ngoại/ Ngoại gì?/ Ngoại xâm/ Xâm gì?/ Xâm lăng/ Lăng gì?/ Lăng Bác/ Bác gì?/ Bác Hồ/ Hồ gì?/ Hồ ao/ Ao gì?/ Ao cá/ Cá gì?/ Cá quả/ Quả gì?/ Quả đấm”. 
Đồng dao phản cảm, nhà xuất bản Mỹ Thuật nói gì?

Những bài đồng dao có nội dung không phù hợp dành cho trẻ mầm non 

Bài đồng dao nêu trên nằm ở trang 8 của sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2012 (số đăng ký KHXB: QĐ.87-2011/CXB/36-04/MT ngày 12/10/2011). Vị phụ huynh này cho biết, đây là một bài đồng dao mới và có nhiều nội dung không phù hợp với việc giáo dục cho trẻ mầm non. “Mầm non là độ tuổi có sự hình thành nhân cách mạnh mẽ nên việc đưa cho các cháu những khái niệm không có tính giáo dục, không phù hợp sẽ dễ ăn sâu vào tâm hồn trẻ thơ. 

Vì vậy, nhà xuất bản phải lựa chọn những nội dung nghiêm túc và có tính giáo dục cao dành cho trẻ”, phụ huynh này chia sẻ. Vị phụ huynh này cũng phân tích rằng các khái niệm “bà ngoại” đi liền với các khái niệm “ngoại xâm”, “xâm lăng” và “quả gì”, “quả đấm” thể hiện sự tính bạo lực. Bên cạnh đó, khái niệm “Bác Hồ”, “hồ gì”, “hồ ao” cũng thể hiện sự thiếu nghiêm túc. 

Ngoài ra, vị phụ huynh này cũng lấy thêm ví dụ trong bài “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng” (trang 17) cũng có nội dung phản cảm. “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng/Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi/ Ông Nhăng bảo để mà nuôi/ Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro/Ông Nhăng bảo để mà kho/ Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng/ Có kho thì kho với riềng/Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công”. Vị phụ huynh này bức xúc: “Nội dung giáo dục cho trẻ như vậy thì hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Cuốn sách "Đồng dao dành cho trẻ mầm non" đang được NXB Mỹ Thuật cho thu hồi 

Thu hồi sách 

Chiều 25/11, trả lời phỏng vấn VTC News, bà Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ Thuật cho biết đã nhận được thông tin về sự việc. Nhận định về nội dung được cho là không phù hợp trong cuốn sách dành cho trẻ mầm non, bà Ngân khẳng định để xảy ra sự việc này là một điều đáng tiếc. Vị giám đốc NXB Mỹ Thuật cũng cho rằng những nội dung phản ánh của độc giả là hoàn toàn hợp lý.

“Nếu chọn được những bài hay và tốt thì hay hơn”, bà Ngân chia sẻ. Lãnh đạo NXB Mỹ Thuật cũng cho biết, trước đó ngày 14/10/2013, NXB Mỹ Thuật nhận được bộ sách lưu chiểu “Đồng dao dành cho trẻ em mầm non” của nhà sách Đinh Tị - đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật. 

Khi đọc lưu chiểu, NXB Mỹ Thuật phát hiện trong quyển 6 của bộ “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” có bài “Đồng dao chơi vỗ tay” (trang 8) chưa hay, không phù hợp với nội dung giáo dục trẻ dù đó là bài hát trong trò chơi. 

Vì vậy, NXB Mỹ Thuật yêu cầu nhà sách Đinh Tị thu hồi lại cuốn sách trên, không được phát hành trên thị trường. Trong công văn yêu cầu nhà sách Đinh Tị thu hồi cuốn sách phản cảm này, bà Ngân cũng nhấn mạnh : “Đề nghị nhà sách Đinh Tị nghiêm túc chấp hành và báo cáo việc thu hồi sách về NXB Mỹ Thuật. Nếu nhà sách Đinh Tị đã phát hành sách trên thị trường trước khi nộp lưu chiểu cho NXB thì phải chịu phạt theo đúng luật xuất bản”. 

Trong cuốn sách có ghi “In xong và nộp lưu chiểu năm 2012” tuy nhiên thực tế tháng 10/2013 nhà sách Đinh Tị mới nộp lưu chiểu. Được biết, theo kế hoạch xuất bản, số lượng sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” là 4.000 cuốn. Chiều 25/11, bà Ngân cho biết hiện tại vẫn chưa nhận được báo cáo từ phía nhà sách Đinh Tị để NXB Mỹ Thuật tổng hợp và báo cáo thanh tra và các cơ quan cấp trên. Sau khi có thông tin từ báo chí, bà Ngân cho biết sẽ kiên quyết yêu cầu phía nhà sách Đinh Tị báo cáo trong thời gian sớm nhất.

Phạm Thịnh
VTC News

__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment