Khi đang tiến hành khai quật tại một địa điểm gần Leipzig, nhóm chuyên gia đã không giấu nổi sự kinh ngạc khi phát hiện ra hơn 100 chiếc răng chó được đính lại với nhau nằm dưới một ngôi mộ có niên đại từ giữa năm 2.500 đến 2.200 trước Công nguyên.
“Qua nhiều thế kỷ, các chất liệu khác như da hoặc vải đã biến mất chỉ còn lại những chiếc răng xếp theo cùng hướng, trông nó rất giống phần nắp ngoài của một chiếc ví cầm tay hiện đại”, nhà khảo cổ học Susanne Friederich đến từ Cơ quan Bảo tồn và Khảo cổ quốc gia Sachsen-Anhalt cho biết.
Chiếc ví kỳ lạ được làm từ hơn 100 chiếc răng chó thuộc thời kỳ đồ đá
Hiện vật này xuất hiện tại Profen – khu vực rộng 100ha dự kiến sẽ trở thành mỏ than lộ thiên vào năm 2015. Cho đến nay, trong quá trình thực hiện dự án, người ta đã tìm thấy ở đây nhiều bằng chứng về các khu định cư thời kỳ đồ đá và đồ đồng gồm hơn 300 ngôi mộ, hàng trăm công cụ bằng đá, mũi giáo, bình gốm, cúc áo làm từ xương, 1 chiếc vòng cổ bằng hổ phách. Trong số đó có ngôi mộ khá đặc biệt vào khoảng năm 50 trước Công nguyên của một người phụ nữ được chôn cùng 0,5kg vàng.
Mặc dù vậy, chiếc ví răng chó vẫn nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả của giới khảo cổ vì “đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện thấy bằng chứng có thể xem là đại diện của phong cách thời trang giai đoạn đồ đá”, Friederich nói. Để có một chiếc nắp ví như vậy, người xưa phải sử dụng răng từ hàng chục con chó. Sự tồn tại của nó chứng tỏ vào thời kỳ này, loài chó đã trở thành vật nuôi trong nhà.
Trên thực tế, răng nanh động vật nói chung vốn được sử dụng khá phổ biến trong các nghi lễ chôn cất tại Bắc Âu và Trung Âu thời đồ đá. Ngoài ra, răng chó cũng trở thành thứ trang trí trên tóc hay dây chuyền dành cho cả nam và nữ. “Có vẻ đây là những món đồ rất hợp thời trang vào thời điểm đó”, Friederich nhận định.
No comments:
Post a Comment