lukhachdem - Chuyện tình tôi và nàng đơn giản hơn những bay bổng yêu đương bình thường rất nhiều. Hay nói cách khác, đây là minh chứng cho việc sợi tơ hồng có khi rất ngắn.
- ngắn đến mức không thể đi được một vòng cổ tay.
Nếu giả sử rằng những con đường trong phố Cỏ Lau này, được đặt tên hệt bên Mỹ thì nhà tôi ở đường 5, còn nhà nàng nằm tít đường 7. Thực ra cũng không quá xa nhau, chỉ là khi yêu, khoảng cách địa lý luôn được nhân lên hàng trăm.
Tức là chúng tôi luôn phải nhớ nhung nhau nhiều hơn… Tôi nhớ nàng hàng đêm, nhớ cồn cào và da diết. Chắc nàng cũng không kém cạnh gì, sau những bữa ăn tối và xem phim ngồi thật gần nhau và hiển nhiên cái đan tay và nụ hôn luyến tiếc lúc chia tay trở nên thật khó khăn để vượt qua. Nhất là lúc thời tiết lạnh muốn chết đi, sống lại.
Chắc bạn đang hình dung ra hàng lọat sự bắt đầu trong tình yêu của tôi và nàng. Hẳn rồi. Có thể là những hàng xóm thân mật từ thuở bé rồi bỗng chốc cô đơn nhận ra vị trí nhau trong tim mỗi người, khi lớn lên. Cũng có thể là chanh chua đấu đá nhau mãi lâu để đến một lúc nào đấy lại thấy người hiểu rõ nhất mình là cô hay cậu ấy.
Và còn tỉ tỉ trường hợp tưởng tượng hay ho, đầy lãng mạn. Nhưng, để tôi nhắc bạn rằng, nàng chỉ vừa chuyển đến đây được ngót hai tháng hai ngày. Nghĩa là chúng tôi không hề học chung với nhau bất cứ lớp nào. Làm chung chỗ, lại càng không! Bởi vì tôi là bác sĩ, còn nàng là họa sĩ (đấy là tôi mặc định vậy). Chuyện tình tôi và nàng đơn giản hơn những bay bổng yêu đương bình thường rất nhiều. Hay nói cách khác, đây là minh chứng cho việc sợi tơ hồng có khi rất ngắn - ngắn đến mức không thể đi được một vòng cổ tay.
Hôm ấy, nàng từ buýt cam xuống, đầu đội chiếc mũ xanh da trời nhạt, vành to che được mưa và cả vẻ đẹp lộng lẫy của nàng khỏi tầm nhìn đầy tình của mấy chàng trai trẻ. Nàng vận chiếc váy maxi họa tiết hoa trắng vụn trên nền xanh lam cầu kì. Thi thoảng có vài đợt gió đầu xuân se se đánh chiếc váy bay tứa lưa, để lộ đôi bốt đen bóng lộn trông chả ăn nhập gì với váy và mũ. Nàng bước nhẹ đến mái vòm xanh lá, ngồi cụp xuống ghế đợi buýt, sát cạnh tôi. Tôi bất ngờ nên hơi giật mình. Và theo thói quen, tôi dịch người ra tí, chếch về phía phải. Cũng như đặt chiếc cặp hình hộp đen vào giữa đầy đề phòng.
Khẽ nghiêng sang nhíu mày nhìn tôi như sinh vật lạ, song nàng cũng chẳng mảy may gì và chúi mũi vào chiếc Iphone khệ nệ trên tay. Tôi thoáng thở phào. Đành rằng tôi biết, từ xưa giờ con trai phải ga lăng và giỏi tán tỉnh mới hòng có được vợ, trừ người may mắn như Chí Phèo. Mà đặc biệt là trong cái xã hội càng ngày càng bị mất cân bằng giới tính này. Nhưng dù đánh chết, tôi cũng không tài nào bỏ được căn bệnh sợ con gái ngay từ thuở bé của mình. Từ cấp một lên đại học, tôi chưa hề có nổi một đứa bạn thân nào thuộc phái yếu. Chứ đừng bảo là yêu. Hiển nhiên, tôi không phải gay như bạn đang tưởng bở. Quay trở lại với câu chuyện, 5 phút sau xe buýt vẫn chưa đến. 10 phút sau cũng tình tình ấy.
Trời bắt đầu mưa, vài hạt mưa thỏ thẻ hắc vào tôi, chúng to dần và trở thành cơn mưa nặng hạt, lộp độp một cách ồn ào trên mái vòm. Vậy mà xe buýt vẫn không ló mặt, như thể bác tài sợ mưa ướt, trốn vào góc nào đó nhâm nhi ly café quạnh. Mọi người bắt đầu tản ra, có người bật dù di chuyển đến trạm xe khác, có người chạy ào qua cơn mưa để kịp cuộc hẹn chiều. Riêng tôi và nàng ở lại, tiếp tục chờ trong vô vọng. Mưa tạt vào làm ướt nhèm chiếc sơ mi trắng được là phẳng phiu sáng nay của tôi. Tôi quay sang, nhìn nàng thương xót cho chiếc maxi bệt nước. Rồi tiếp tục nhìn màn mưa to đến mức làm mù cả khoảng không phía trước. Tôi không đóan định được người trên đường đã thưa bớt chưa. Nàng bỗng hỏi tôi, ngúc ngoắc mái đầu dính nước:
Anh cũng về phố Cỏ Lau à?
“Cũng” tức là nàng đang chờ tuyến buýt về Cỏ Lau như tôi. Tôi e ngại, đáp:
Tôi giống như cô.
Nàng cười. Và thề có chúa nàng cười còn đẹp hơn cả nàng Mona Lisa. Điều đó làm mặt tôi đỏ bừng hệt như tôi đang đi giữa sa mạc Sahara, đón nhận ánh Mặt Trời chiếu gắt. Toang giấu đi vẻ xấu hổ, tôi lại tiếp tục nhìn mưa. Nhưng nàng không hề có ý tha cho tôi.
Anh là bác sĩ à?
Chết tiệt, làm sao nàng biết được. Tôi khó nhọc tìm câu trả lời, song chẳng thể tìm được.
Ừ.
Thế anh chẩn đoán xem tôi bệnh gì? – nàng bắt đầu tinh vi.
Chúa à, con gái lúc nào cũng thích chơi trò ú tìm vậy sao? Hay là chỉ có mình nàng? Tôi ngậm ngùi cất thú ngắm mưa vào lòng, quay sang nhìn nàng một lượt. Nàng đã tháo chiếc mũ từ hồi nào tôi chẳng rõ. Tôi chăm chú nhìn từ vài sợi tóc le que dính sát khuôn mặt hình xoan, hai má ưng ửng đỏ, đến đôi môi nhỏ chúm chím phủ lớp son mỏng màu cam. Rồi lần qua chiếc cổ cao nhỏ đầy kiêu hãnh. Sau đó lần ngược lên đôi mắt nâu to và trong, cùng hàng mi chải mascara cong vút. Và tôi biết đôi đồng tử của nàng cũng đang tập trung cao độ, nhìn xoáy vào tôi. Tôi thẹn thùng quay đi, hai má nóng bừng. Nàng bắt đầu cười ha hả. Cảnh tượng hết sức mất mặt ấy làm tôi muốn độn thổ ngay lập tức. Được một lúc sau, nàng thôi cười và chơi tiếp trò tra tấn tôi.
Anh không có khả năng chẩn đoán lâm sàng à?
Đúng là phụ nữ đẹp thường đi kèm với cơ số nguy hiểm. Nhưng lúc này, nàng rõ ngớ ngẩn. Thử hỏi tôi chưa bắt mạch và thực hiện vài động tác kiểm tra lâm sàng cần thiết thì làm quái nào biết bệnh. Chưa kể đến việc thần sắc nàng trông ổn thế. Tôi đành lúng búng hỏi:
Cô khó chịu ở đâu?
Vùng bụng bên phải, ở đoạn cách gai chậu trên bên phải một phần ba khoảng cách từ nó đến rốn.
Chết giẫm, nàng có nguy cơ bị viêm ruột thừa. Nhưng phải ấn vào xem phản ứng thành ruột thì mới chắc chắn được. Thế là tôi đề nghị luôn, chẳng buồn suy tính:
Cô vén áo lên, tôi phải kiểm tra cho chắc.
Tôi đang mặc maxi!!!
Nàng tròn mắt, gằng giọng ở từ “maxi” như cố ý để tôi phải lưu ý tình huống này. Và…tôi không biết làm gì, ngoài đỏ mặt. Đồng thời vắt óc suy nghĩ cách hóa giải. Bỗng… nàng phá lên cười. Nụ cười như ám chỉ tôi rằng nàng không bệnh tình gì sất, chỉ là nàng điêu và tôi khờ. Tôi khẽ thở dài tự trách mình khờ vì nếu đau ruột thừa thật thì nàng hẳn phải quặn thắt ghê lắm và cơn đau phải kéo dài từ hôm qua ở vùng thượng vị kia. Tôi bẽn lẽn đưa tay đẩy gọng kính cận để nhìn lên lũ chim đang ủ rũ trên cành cây trụi lá, mọc ven đường, rõ ràng hơn. Trông chúng thật giống tôi. Phải giống đến tận 90%. Nàng chợt tắt tiếng cười, vỗ vai tôi rõ mạnh:
Này con chim ướt, anh giận tôi à?
… im lặng luôn luôn là giải pháp tối ưu.
Anh nhìn xem, tôi ướt, anh ướt. Mà trời đằng nào cũng mưa đến tối muộn, nên hai đứa chạy bộ về phố Cỏ Lau đi.
Khô… - tôi nghĩ mình phải từ chối, nhưng nàng cắt lời tôi ngay.
Tất nhiên là không về nhà, mà là rẻ đến đồng cỏ lau trắng muốt.
Cô…
Tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ anh. – nàng lại bịt miệng tôi.
Nói rồi, nàng nắm tay tôi, túm chân váy và chúng tôi chạy vào cơn mưa. Mưa tháng 11 ồn ào và da diết, hệt bản “November rain” của Guns N' Roses mà nàng đang líu tíu trong miệng. Nàng dắt tôi đến vùng cỏ lau rộng đang trĩu nặng mưa. Nói đến cỏ lau thì hẳn người ta sẽ nghĩ đến ngay những bông lau nhẹ, trắng tinh khôi, phập phồng trong gió tạo nét mềm mại và duyên dáng. Vậy mà chẳng hiểu sao, nàng lại thích vẽ nó trong mưa.
Mưa dầm dề làm nó buồn đến khó tả. Nàng đẩy tôi vào góc lau xa nhất, toàn những bông mà nước đeo thân nó như sắp gãy đến nơi. Tôi lầm bầm vài từ, rồi nhắm mắt, ngửa mặt lên trời hứng những giọt mưa trong veo. Từ hồi lớp 7, tôi đã hết chơi trò ngu này. Bây giờ làm bác sĩ, tôi lại càng ép mình tránh cái sở thích dại dột này. Bởi chỉ cần dầm mưa là cái lạnh được cớ xông lên đẩy sức đề kháng yếu ớt của tôi xuống tận đáy. Tôi sẽ li bì mãi một tuần cho xem.
Ngửa mặt lên và giữ nguyên tư thế đấy. – nàng nói như ra lệnh.
Câu nói ấy làm đứt luôn sợi dây tôi căng lên giữ bình tĩnh nãy giờ. VIỆC GÌ TÔI PHẢI LÀM THEO?! – tôi to giọng.
Cuối cùng anh đã chịu lớn tiếng rồi. – nói rồi nàng cười thật tươi và lại tiếp tục – Người trong phố Cỏ Lau bảo anh bị trầm cảm, tôi không tin như thế.
Thế cô không phải là họa sĩ?
Không. Tôi là bác sĩ tâm lý.
Tôi im bặt mấy phút…
Nhưng tôi học vẽ từ bé. – nàng nhún vai, chữa cháy.
Và tôi thấy mình đột nhiên cười to. Tâm trạng tôi dãn nở rất nhanh. Băng qua những thủ tục giao tiếp bình thường, kì lạ thay nàng thật gần bên tôi. Rất gần.
Sau đấy, chúng tôi nằm dài ở đồng cỏ lau thật lâu. Nàng thẽ thọt hát “November rain”, tôi trầm tư lắng nghe. Chiếc váy hoa xếp nếp dịu dàng trên đám cỏ dại xanh rì đang ửng mặt uống nước.
Làm bạn tôi nhé. – tôi nói nhỏ.
Nàng đằm lại chút ít thời gian rồi rành mạch:
Không. Em sẽ làm người yêu của anh.
Tôi tròn mắt, khó hiểu. Nàng cười nhẹ: chúng mình thử yêu nhau đi.
Và như thế, tình yêu bắt đầu. Từ “thử” thành “thật” rất nhanh. Bạn có thấy kì lạ không? Nhưng tin tôi đi, tình yêu là thứ kì lạ nhất mà tôi từng biết. Nếu nó bắt đầu từ sự đồng điệu về tâm hồn thì sẽ đến đích rất nhanh mà không cần phải trải qua các vòng tuần hoàn phức tạp như máu - điều gây thích thú với tôi nhất trong y học.
Tôi và nàng cứ yêu nhau, mỗi ngày trôi qua đều yêu rất trọn vẹn. Tôi biết người ta sợ yêu tha thiết quá sẽ chán, nên cứ để dành cho ngày sau, nhưng người ta không biết rằng cuộc sống thực sự rất ngắn ngủi cho những toan tính như thế.
Hai tháng yêu say đắm trong cánh cỏ lau ướt mát. Sáng thức giấc trong mùi bánh quy ngầy ngậy ngập phố Cỏ Lau, tôi mặc vội chiếc áo được là từ tối. Rồi thong dong xuống phố, ghé chào anh phục vụ quán đội beret đỏ và tự chọn cho mình cốc cappuccino nóng hổi như nàng. Hai cốc cụng nhau, tiếng tí tách vàng rộm ngày mới.
Khi mặt trời vừa hé, rải những tia nắng ấm áp đầu tiên của ngày khắp Cỏ Lau, tôi và nàng lại chia tay nhau. Những nẻo đường và công việc mới lại bắt đầu ngân nhịp đều đặn, đôi lúc là dồn dập đến tối muộn. Tôi lả bước kết thúc ngày làm lúc Cỏ Lau tắm mình trong dòng sương giăng, cả khu phố chìm trong ánh đèn vàng dịu lẫn vào ánh trăng. Nàng đan mạnh tay tôi, thở thượt ra những mệt mỏi. Và chúng tôi lại thấy mình trong tình yêu. Những ngày như thế cứ lặp đi, lặp lại… Phố Cỏ Lau hiểu tình yêu ấy và… thoáng ngập ngừng se duyên.
Cuối cùng, ngày tôi mong đợi đã đến… Hôm nay, nàng nhắn tin bảo: “Hay, mình cưới nhau anh nhé!”. Tôi cười thầm rồi không kìm nén điều hạnh phúc này, chạy dọc phố Cỏ Lau, từ đường 5 xuyên qua những tiệm bánh nức mùi, những tiệm café thơm ngọt, đến đường 7. Tôi ôm nàng thật nhẹ: “Ngày mai em nhé.”
Di Thu
Theo: blogviet.com.vn
No comments:
Post a Comment