Wednesday, February 26, 2014

Những loài thực vật kỳ quái “sống dai” nghìn năm tuổi

Những loài thực vật kỳ quái “sống dai” nghìn năm tuổi - Cùng hiểu hơn về những “già làng” trong giới thực vật…

Theo quy luật, mọi sinh vật sống trên Trái đất đều sẽ lớn lên và mất đi, nhưng bên cạnh đó cũng có một số loài thực vật sống "thọ" hơn các loài khác. Lấy chân lý ấy làm cảm hứng, trong suốt gần một thập kỷ, nhiếp ảnh gia Rachel Sussman đã đi vòng quanh thế giới, tìm kiếm những thứ trong tự nhiên sống lâu nhất. 

Cuối cùng, cô cũng đã thỏa nguyện vọng của bản thân khi tìm ra được những loài thực vật “cực thọ” trên Trái đất, loài trẻ nhất cũng đạt tới 2.000 năm tuổi. Hãy cùng tìm hiểu về những tác phẩm nổi bật nhất của Sussman trong chuyến đi đầy thú vị ấy qua bài viết dưới đây.
Những loài thực vật kỳ quái “sống dai” nghìn năm tuổi

Cây bao báp là biểu tượng của châu Phi - mảnh đất kho cằn nhất thế giới. Không chỉ nổi tiếng với kích thước to lớn, đồ sộ, bao báp còn được người ta nhắc tới với tư cách của một trong những loài cây sống thọ nhất.

Cây bao báp trong bức ảnh “sống” tại khu bảo tồn Kruger ở Nam Phi với tuổi thọ là khoảng 2.000 năm. Sở dĩ loài cây này sống lâu tới vậy là vì càng phát triển, thân cây bao báp càng to, càng rỗng và khả năng giữ nước càng lớn. 

Ước tính trong 4 tháng, một cây bao báp có thể tích trữ trong thân 130.000 lít nước. Trong lịch sử, phần thân rỗng bên trong một cây bao báp ở Australia từng được sử dụng làm nhà tù giam giữ tử tù trên đường đi hành hình.

Welwistchia là loài cây chỉ sống ở gần bờ biển Namibia và Angola nơi tiếp giáp với sa mạc. Đây được coi là loài thực vật hạt trần cổ xưa nhất còn sót lại trên Trái đất và luôn được mệnh danh là “hóa thạch sống” bởi tuổi thọ lên tới hơn 2.000 năm.

Nếu tới thăm sa mạc Atacama, dãy núi Andes ở Peru, Bolivia hay Chile, bạn có thể dễ dàng bắt gặp khắp nơi hình ảnh của một loài cây có màu xanh quanh năm đặc trưng bao phủ các phiến đá nhỏ tên Llareta. 

Đây là loại cây hoa nhỏ sống ở độ cao 3.200 - 4.500m so với mực nước biển. Tốc độ phát triển của Llareta rất chậm, trung bình chỉ lớn thêm 1,5cm mỗi năm. Chính yếu tố trên giúp cho Llareta sống rất lâu, có cá thể thậm chí đạt khoảng 3.000 năm tuổi.

Cách đây 100 năm, các nhà thám hiểm đã phát hiện trên đảo Voi, Nam Cực loài rêu đá cổ xưa bậc nhất trên thế giới, có tuổi thọ ước chừng 5.000 năm. Theo các nhà khoa học, mặc dù địa chất ở Nam Cực vô cùng cằn cỗi, nghèo nàn song chính phân của loài chim cánh cụt sống ở đây đã giúp cho loài rêu này tồn tại và phát triển.

Cây thông Bristlecone nằm trong dãy núi Trắng ở California. Tính tới năm 2014, cây thông này đã tròn 5.064 tuổi và luôn được mệnh danh là cây đơn sống lâu nhất ở Bắc Mỹ. 

Theo các chuyên gia ước tính, có những lá xanh trên cây thông này đã 40 năm tuổi. Ngoài ra, gỗ thông Bristlecone rất đặc và nhiều nhựa, do đó, nó có thể chống được sự xâm hại, đục khoét của côn trùng và sâu bệnh. Đây cũng chính là hai nguyên nhân chủ yếu giúp loài này sống lâu tới vậy.

Nằm ở phía Tây Thụy Điển, cây vân sam Na Uy này già tới mức ít ai ngờ - tính tới nay nó đã được 9.550 tuổi. Theo các nhà khoa học, cách đây khoảng 9.500 năm, khu vực xung quanh trong bức ảnh phủ kín những cây vân sam tương tự, song chính sư biến đổi khí hậu đã làm số lượng loài thực vật này sa sút đi nhanh chóng.

Nếu so sánh về tuổi thọ thì có lẽ cây thông Bristlecone không thể sánh bằng người họ hàng xa của mình - cây thông Huon. Bức ảnh trên của Sussman chụp lại quần thể thông Huon ở núi Read, Tasmania. 

Phần lớn trong số chúng đã bị lửa thiêu hủy sau những vụ hỏa hoạn tuy nhiên một số ít cá thể vẫn còn sống sót. Theo giám định, quần thể thông ở đây có độ tuổi khoảng 10.500 năm.

“Sinh ra và lớn lên” tại sa mạc Mojave, California, tính tới nay, quần thể cây bụi Mojave Yucca đã “tổ chức sinh nhật” ngót nghét 12.000 lần. Những cá thể cứ lớn lên và chết đi được thay thế bởi các cá thể mới mọc từ chung một bộ rễ là nguyên nhân giúp loài thực vật này sống lâu tới vậy. 

Từ xa xưa, người Mỹ bản địa đã phát hiện ra rất nhiều tác dụng của loài cây này - dùng làm dép, dây thừng, vải, thuốc chữa bệnh đau đầu, viêm khớp. Ít ai ngờ, hoa và quả của loài cây này có thể ăn được, rễ cây được dùng làm xà phòng…

Trên là hình ảnh một trong năm cây bạch đàn hiếm nhất thế giới. Cá thể này sống ở New South Wales, Australia và đã có tuổi thọ lên tới 13.000 năm. Ít ai biết rằng bạch đàn mặc dù có mặt ở rất nhiều nơi nhưng chính Australia mới là quê hương, gốc gác thật sự của loài thực vật này. Nó cũng là một trong số ít những loài cây thân gỗ nhưng lá có chứa chất độc trong lá và tinh dầu - có tác dụng như thuốc trừ sâu và đuổi muỗi tự nhiên.

Quán quân về tuổi thọ trong giới thực vật đáng ngạc nhiên lại là một loài cỏ biển tên Posidonia. Đây là loài cỏ đặc hữu chỉ có tại biển Địa Trung Hải. Tên gọi Posidonia có nguồn gốc từ tên của thần biển cả trong thần thoại Hy Lạp - Poseidon. 

Ước tính tới nay, cỏ Posidonia đã khoảng 100.000 năm tuổi. Dưới góc nhìn khoa học, cỏ Posidonia thường được ứng dụng để đo mức độ ô nhiễm nguồn nước bởi loài thực vật này chỉ có thể sống và phát triển trong môi trường nước sạch mà thôi.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Science/TIME, BBC, Wikipedia...
Những loài thực vật kỳ quái “sống dai” nghìn năm tuổi / Lukhachdem Blog 
Theo: Kenh14.vn

No comments:

Post a Comment