Chụp ảnh với máy ảnh số là khái niệm chỉ quá trình cảm biến trên máy ảnh ghi lại những chùm sáng với màu sắc, cường độ khác nhau và qua quá trình mã hóa chuyển thành file lưu trữ trên bộ nhớ.
Quá nhiều ánh sáng sẽ dẫn đến tình trạng cháy sáng, ngược lại, quá ít sáng sẽ làm ảnh bị tối đen. Có 3 thành phần chủ yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng một tấm hình qua quá trình phơi sáng là Aperture ( khẩu độ), Shutter Speed (Tốc độ màn trập), và độ nhạy sáng ISO.
Dĩ nhiên, với đa phần máy ảnh tầm trung hiện nay đều cho phép người dùng tùy chỉnh ba thành phần này để tạo một bức ảnh như ý. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết kỹ thuật này, thấu hiểu điều đó, Canon đã cho ra đời trang web mô phỏng chụp ảnh tại địa chỉ http://www.canonoutsideofauto.ca. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn làm quen và sử dụng những tính năng của trang web này một cách hiệu quả.
Trước tiên, trang web được Canon chia làm 3 phần chính là: Các kiến thức cơ bản (Learn), Thực hành chụp ảnh (Play), và Chế độ thử thách (Challenge). Chúng ta sẽ lần lượt khám phá từng phần một, theo đúng trình tự Canon đã sắp đặt để có được hiệu quả cao nhất
1. Những kiến thức cơ bản về nhiếp ảnh
Để có một bức ảnh đẹp, trước hết bạn phải hiểu thấu và nắm chắc các lý thuyết về những thông số cơ bản. Do đó, mục Learn được chia làm 4 phần chính với hướng dẫn khá trực quan và dễ hiểu, bao gồm: Aperture, Shutter Speed, ISO, và Exposure Metter.
Khẩu độ
Như các bạn đã biết, thông số này quyết định đến độ rõ nét hoặc mờ ảo của chủ thể. Các lá khẩu mở to hay nhỏ sẽ khống chế lượng ánh sáng vào cảm biến. Bạn có thể làm mờ phần tiền cảnh hoặc hậu cảnh bao phủ quanh chủ thể (được gọi bằng cái tên DOF nông – Shallow Depth of Field) bằng cách mở to các lá khẩu (nghĩa là giá trị f càng nhỏ càng tốt, ví dụ như f/1,8 hay f/1,4 chẳng hạn). Ngược lại, muốn bức ảnh nét sâu thì chọn giá trị f lớn (như f/16, f/22), khi đó độ mở của các lá khẩu rất nhỏ, chỉ một ít lượng sáng vào được sensor, do đó phải chú ý tăng thời gian phơi sáng và ISO.
Tốc độ màn trập
Shutter Speed sẽ quyết định thời gian đóng của màn trập, đây là một bộ phận ngăn cách các lá khẩu của ống kính với cảm biến hình ảnh. Những thiết lập về shutter speed ảnh hưởng đến thời gian ánh sáng được phép tiếp xúc với sensor. Một khi màn trập đóng lại, quá trình thu nhận ánh sáng chấm dứt, bộ vi xử lý của máy sẽ tiến hành tái tạo một file ảnh số. Tốc độ màn trập nhanh, lên đến 1 phần nghìn giây sẽ giúp bạn đóng băng các chuyển động nhanh, ngược lại, thời gian phơi lâu sẽ đem đến những hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp.
ISO
Thiết lập đúng giá trị ISO là một trong những nhân tố tiên quyết ảnh hưởng tới chất lượng một tấm hình. ISO càng cao, ảnh càng có chiều hướng sáng, tuy nhiên, cũng đồng nghĩa với việc bị sạn. Về cơ bản, nên thiết lập ISO thấp khi chụp ngoại cảnh với nắng đẹp, dùng ISO cao khi cần chụp tốc độ cao hoặc thiếu sáng. Bộ ba Aperture – Shutter Speed – ISO có liên hệ mật thiết với nhau, thay đổi một trong ba thông số sẽ ảnh hưởng tới thông số còn lại. Do đó, cần tính toán và cân nhắc kỹ mỗi khi thay đổi các giá trị này để có được kết quả như ý.
Bù trừ sáng
Đo sáng (Exposure Meter) là bước cuối cùng cần phải hoàn tất để có một bức ảnh đẹp và giống thật nhất. Các thiết lập bù trừ sáng luôn cần thiết khi không thể can thiệp sâu hơn vào khẩu độ hoặc tốc độ được nữa. Một bức ảnh trong điều kiện hoàn hảo sẽ không phải điều chỉnh gì về Ev (mũi tên nằm ở mốc 0). Khi ảnh có dấu hiệu cháy sáng, thì phải điều chỉnh giảm sáng (giá trị Ev âm), và thiếu sáng thì phải bù thêm sáng (Ev dương). Nhìn chung, để có thể điều chỉnh tốt thông số này phải dựa khá nhiều vào kinh nghiệm, bạn không nên quá bận tâm tới nó nếu như mới cầm máy được chưa lâu.
Tiếp theo, sau khi đã nắm vững các kiến thức cơ bản về bốn thông số trên, Canon tiếp tục giới thiệu đến người dùng những bước cần thực hiện để có một bức ảnh đẹp. Mục này mang tên Photography 101. Sẽ có 5 điều bản cần phải chú ý khi chụp một tấm hình, bao gồm: hiểu rõ về các thông số, bố cục và chọn tâm trạng cho ảnh, chọn chủ thể chính, thiết lập các thông số, và tùy chỉnh theo môi trường xung quanh. Ở mỗi phần, Canon sẽ có những giải thích ngắn gọn, đi kèm với hình ảnh minh họa rất trực quan và sinh động.
Phần cuối cùng của mục Learn là Tips (các mẹo nhỏ hữu ích khi chụp hình). Tổng cộng Canon đưa đến cho bạn 11 gợi ý tất cả, nhìn chung, chúng đều ngắn gọn, súc tích, và dễ áp dụng.
2. Thực hành
Nếu bạn đang hứng thú với môn chụp ảnh, nhưng chưa có điều kiện mua máy DSLR, hoặc giả sử bạn đang đắn đo liệu có nên bỏ một số tiền lớn như vậy để mua một chiếc máy chụp hình Canon hay không, thì đây chính là phần bạn nên thử qua. Canon đã thực hiện mô phỏng khá chi tiết và chân thực cảm giác khi cầm máy DSLR, ít nhất là về góc độ kỹ thuật. Bạn có thể tùy ý thay đổi các thông số về khẩu độ, tốc độ, ISO, bù trừ sáng trong 3 chế độ khác nhau từ bán tự động (Av, Tv), cho đến thủ công hoàn toàn (M) và coi thử xem kết quả hình ảnh ra sao.
Sau khi xác lập các thông số xong xuôi, bạn nhấn vào nút chụp (hình chiếc máy ảnh to màu xanh ở góc dưới bên trái), lập tức bức ảnh kết quả sẽ được công bố. Trong đó, Canon sẽ đưa ra những lời nhận xét về tác phẩm của bạn, chỗ nào được, chỗ nào chưa tốt, và cần phải cải thiện những gì. Các thiết bị được Canon lấy làm gốc để đem ra mô phỏng là chiếc DSLR EOS Rebel T4i và ống kính Canon EF 16-35mm f/2.8L II USM.
3. Thử thách
Ở mục này, khi bắt đầu chơi, Canon sẽ đưa ra cho bạn một bức ảnh mẫu để làm mốc tham chiếu. Nhiệm vụ của bạn là phải chụp được một bức càng giống với đề bài càng tốt. Bạn sẽ có 6 lần để thử, và dĩ nhiên, sẽ có một chiếc đồng hồ bấm giờ để đo thành tích. Một khi bạn đã chụp được một tấm theo đúng yêu cầu thì sẽ được lên “level”, một thử thách khác khó nhằn hơn sẽ được đưa ra.
Theo: Genk.vn
No comments:
Post a Comment