Wednesday, August 20, 2014

4 điều mà tân sinh viên cần thay đổi

Sống xa nhà, tự lập, rồi môi trường sống và học tập hoàn toàn khác với trước đây. Do vậy, để các tân sinh viên sống tốt ở môi trường này, đặc biệt nhanh chóng làm quen với cách học ở bậc đại học, các bạn cần thay đổi ngay và luôn những điều sau.


1. Thay đổi suy nghĩ


Nếu như ở các cấp học trước đây, suy nghĩ của bạn còn khá non nớt và “trẻ em như búp trên cành, biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan” là tiêu chí của một đứa con ngoan, trò giỏi nên việc học nhồi nhét để có điểm số tốt ở các kỳ thi là yêu cầu quan trọng nhất. Đến môi trường Đại học bạn phải thay đổi ngay và luôn, vì đây là nấc thang quan trọng nhất quyết định tương lai của bạn, học ở đây không đơn thuần là học xong để thi và có điểm số như mong muốn, sau đó hỏi lại “mắt chữ o, mồm chữ a”. Học là để nạp kiến thức, những kỹ năng cần thiết để bạn có thể làm nghề, làm được việc đúng với chuyên ngành mà mình được đào tạo. Do vậy, việc lơ tơ mơ, nghĩ đơn giản “học chỉ để thi” thì sau 4 năm đại học bạn vẫn chỉ là “một người già mang suy nghĩ của trẻ con”.

4 điều mà tân sinh viên cần thay đổi
Các tân sinh viên có rất nhiều điều cần phải thay đổi khi tiếp xúc với một môi trường học tập
hoàn toàn mới.

2. Thay đổi phương pháp học


Không ai quản lý bạn, thầy cô ít nhắc nhở, bạn bè thì lại càng ít khi quan tâm đến chuyện học hành của nhau. Điều cuốn bạn đi nhanh nhất khỏi quỹ đạo của việc học là suy nghĩ “bọn nó có học hành gì đâu, tội gì mình phải học, thi là qua hết ấy mà”. Để tránh được tình trạng trên, bạn cần rất tỉnh táo, chơi và học phải hài hòa, và yếu tố quan trọng nhất giúp bạn có thể theo kịp được chương trình học, không bị rơi rớt kiến thức là tự học.

Đừng chây lười và luôn tâm niệm “việc hôm nay chớ để ngày mai”, sắp xếp thời gian biểu hợp lý thì bạn sẽ có tất cả: vừa được chơi, lại học hành thoải mãi và hiệu quả. Một điều các bạn nên biết là học đại học không khó, nhưng là với những người có trách nhiệm với việc học của chính mình nhé.

3. Phải học theo tư duy phản biện


“Thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”! Thôi nào, đó là quan điểm học của những người chậm tiến, ở các bậc học trước đây đã khó chấp nhận rồi, huống chi đại học. 

Đừng chỉ tỏ ra là một “trò ngoan” khi chỉ ú, ớ nhai đi, nhai lại vài từ cảm thán như: Dạ đúng, vâng ạ, đúng ạ,... hãy để bộ não của bạn hoạt động, phân tích các thông điệp mà thầy cô truyền tải xem đúng hay sai và ngay lập tức “bật” lại. Đừng bao giờ sợ sai, vì sợ sai thì mãi mãi bạn sẽ chẳng biết cái gì là đúng cả, luôn mơ hồ và hoài nghi, không dám khẳng định.

Hãy luôn luôn nghĩ trong đầu rằng: tại sao thầy lại nói thế, cái này mình thấy có vấn đề, tại sao lại thế nhỉ,...Một điều kỳ diệu mà không phải ai cũng biết là: mỗi lần “bật” lại giáo viên là một lần bạn khắc cốt những kiến thức. Nhà trường, ngành giáo duc, thầy cô cho phép bạn làm điều đó. Tại sao không?


4. Lập nhóm học tập


“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, câu tục ngữ chưa bao giờ sai dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Việc lập một nhóm cùng học tập có rất nhiều cái lợi. Thứ nhất, bạn sẽ có những mối quan hệ mới, những người bạn để mình bớt trống trải trong những ngày đầu xa nhà. Thêm nữa, việc thiết lập một nhóm không những giúp hỗ trợ nhau trong học tập, mà mọi việc trong đời sống các bạn đề có thể đem ra “tám” với nhau.

Ngoài ra, trong nhóm sẽ có nhiều bạn với nhiều cá tính khác nhau, khi chơi với các bạn bạn có thể học hỏi họ nhiều thứ và biết cách chấp nhận để sống hòa đồng. Đó là một điều rất tốt trong xã hội hiện nay khi kỹ năng mềm trở thành một trong những yếu tố vô cùng quan trọng đối với tương lai, sự nghiệp của bạn.

Theo kenh14.vn

No comments:

Post a Comment