Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao mình bị chuột rút, lòng bàn tay đầy mồ hôi trong một số tình huống… Thử tìm hiểu xem, qua những biểu hiện này, cơ thể muốn nói gì với mình bạn nhé!
Hắt hơi nhiều lần có thể là biểu hiện tống dị vật ra ngoài. Ảnh mang tính chất minh họa
1. Choáng váng khi đứng dậy
”Bắt bệnh”: Đây là triệu chứng của việc thiếu nước hoặc bạn đã mắc chứng huyết áp thấp (càng chính xác hơn nếu bạn cảm thấy choáng váng khi đứng dậy đột ngột).
Bạn nên: Hãy uống thật nhiều nước, đứng dậy từ từ thay vì đổi tư thế đột ngột. Để đảm bảo an toàn, hãy vịn vào một cái ghế hay vật gì đó chắc chắn để đứng dậy.
2. Giật mình khi đang ngủ
"Bắt bệnh”: Có thể xảy ra lúc bạn vừa ngủ lơ mơ hoặc thậm chí đã ngủ say. Đây là dấu hiệu bình thường của việc gián đoạn hoạt động ở một dây thần kinh nào đó trước khi cơ thể chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi.
Bạn nên: Không thể khắc phục nhưng may là nó chỉ xảy ra khoảng vài giây. Nếu tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến giấc ngủ, bạn nên đi khám để tầm soát chứng ngưng thở khi ngủ.
3. Bị chuột rút chân vào ban đêm
”Bắt bệnh”: Do sự mất cân bằng điện giải hoặc thiếu nước nhẹ. Nếu việc này diễn ra hàng đêm, có thể bạn đã bị rối loạn đông máu hoặc tổn thương về thần kinh.
Bạn nên: Hãy đi lại xung quanh phòng và xoa bóp vùng chân bị chuột rút. Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng diễn ra thường xuyên.
4. Nhịp tim nhanh khi giật mình thức dậy
”Bắt bệnh”: Nếu bạn giật mình thức dậy từ một giấc mơ nào đó thật đáng sợ, đây là biểu hiện bình thường của cơ thể.
Bạn nên: Nghe nhạc êm dịu trước khi ngủ. Nếu nhịp tim nhanh đi kèm đau ngực, chóng mặt, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.
5. Ra mồ hôi tay
”Bắt bệnh”: Đây là phản ứng của cơ thể khi bạn gặp phải tình huống căng thẳng hay đang lo sợ một điều gì đó. Chỉ khi nào cả tay, chân và nách bạn cũng thường xuyên đổ mồ hôi, bạn mới cần nghĩ đến việc mình mắc phải chứng rối loạn tăng tiết mồ hôi.
Bạn nên: Dành vài phút để hít thở sâu, tưởng tượng về một nơi nào đó thật yên tĩnh hoặc ngồi thiền định để cân bằng cảm xúc. Nếu mồ hôi luôn luôn xuất hiện dù bạn không căng thẳng, hãy đến bệnh viện để được can thiệp y khoa.
6. Hắt hơi trên ba cái
”Bắt bệnh”: Đây là một phản xạ bảo vệ báo hiệu có vật gì đó gây khó chịu trong mũi của bạn và bạn phải tống khứ nó ra ngoài.
Bạn nên: Thuận theo tự nhiên. Bạn sẽ ngưng hắt hơi khi dị vật bị đẩy ra ngoài.
7. Ngón tay của bạn bị tê
”Bắt bệnh”: Khi bạn giữ bàn tay trong một tư thế quá lâu (khi viết hoặc đè lên nó lúc ngủ), các cơ tay sẽ sưng lên và gây tê.
Bạn nên: Dùng bàn tay còn lại nắn, xoa bóp ngón tay bị tê cứng và giữ nó trong vài giây để làm ấm nó.
8. Nước tiểu có mùi lạ
”Bắt bệnh”: Sự thay đổi màu và mùi của nước tiểu trước hết có thể là do những thực phẩm bạn ăn trong ngày (chẳng hạn như măng) hay những loại thuốc bạn uống (Penicillin, Ampicillin…). Nguy hiểm hơn, đó có thể là dấu hiệu của chứng nhiễm trùng đường tiểu.
Bạn nên: Uống nhiều nước để góp phần giúp cơ thể đào thải hết thức ăn và hoạt chất tạo mùi của thuốc ra khỏi cơ thể. Nếu sau đó, hiện tượng có mùi và màu sắc lạ vẫn còn kéo dài, hãy đến bệnh viện tiến hành phân tích nước tiểu để rà soát bệnh.
MINH CHÂU
---------
Mách nhỏ
Tránh nằm trong phòng tối sau sinh
Ảnh mang tính chất minh họa
Dưới đây là lý do mà các bà mẹ cần biết để hạn chế mắc phải sai lầm này khi chăm sóc trẻ sơ sinh:
- Trong không gian tối lờ mờ, người mẹ khó lòng phát hiện được chứng vàng da ở trẻ. Với nhiều trường hợp, lúc mang em bé ra ngoài ánh sáng thì mới nhận thấy bé bị vàng da nặng tới lòng bàn tay, chân, dẫn đến nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh tâm thần rất cao.
- Thiếu nguồn sáng từ mặt trời sẽ làm tăng tình trạng thiếu vitamin D, điều đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ như: khóc đêm liên tục, dễ giật mình, còi xương...
- Ngoài ra, ở phòng tối và lại quá kín thường gây không khí tù đọng, hôi hám, do đó nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn.
(Theo www.nhidong.org.vn)
No comments:
Post a Comment