Ăn uống thực phẩm lạ bụng khiến bạn gặp nhiều phiền phức lắm đấy!
Cách đây khoảng 2 tháng, em có bị tiêu chảy kéo dài đến gần 1 tuần do ăn phải thức ăn lạ bụng. Sau đó mặc dù đã khỏi bệnh nhưng thỉnh thoảng em vẫn bị són phân lỏng ra.
Ban đầu với lượng rất ít, chỉ làm bẩn quần lót tí ti, nhưng mấy ngày gần đây, tình trạng này có xu hướng trầm trọng lên nhiều khiến em liên tục bị ướt quần.
Từ một con người hoạt bát em đã trở nên vô cùng tự ti và không dám giao tiếp với ai nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (feeder...@yahoo.com.vn).
Chào em,
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng đại tiện không tự chủ.
Tuy không gây chết người nhưng bệnh mang đến rất nhiều phiền toái như khó chịu, ngứa ngáy, kích thích, viêm nhiễm, đau đớn vùng hậu môn trực tràng khiến người bệnh không thể tập trung làm việc, mặc cảm tự ti, khó hòa nhập xã hội, thậm chí gây trầm cảm nặng.
Đại tiện không tự chủ là tình trạng phân từ trực tràng són ra ngoài liên tục mọi lúc mọi nơi mà không hề có hoặc rất ít cảm giác mót rặn. Nếu ở mức độ nhẹ, số lượng phân ra ngoài rất ít chỉ làm bẩn đồ lót. Nhưng nếu đại tiện không tự chủ hoàn toàn, số lượng phân ra ngoài nhiều sẽ khiến bệnh nhân thực sự khó chịu và khổ sở.
Có nhiều nguyên nhân gây chứng không tự chủ khi đại tiện. Cụ thể:
- Do táo bón: Ở bệnh nhân táo bón, số lượng phân khô cứng tích lũy dần trong ruột già và trực tràng nên cục phân có kích thước lớn hơn bình thường, vì vậy khi đi ngoài cơ thắt hậu môn bị giãn căng hơn. Nếu táo bón kéo dài, cơ thắt hậu môn giãn căng nhiều lần sẽ dẫn đến trương lực yếu đi.
Bên cạnh nguyên nhân do cơ thắt bị yếu và giãn căng, táo bón kéo dài cũng gây thương tổn thần kinh trực tràng - hậu môn, làm giảm hoặc mất độ nhạy cảm của trực tràng với khối lượng phân nên gây đại tiện mất tự chủ.
- Do tiêu chảy: vì phân lỏng nên khó bị giữ lại trực tràng hơn phân rắn. Tiêu chảy kéo dài cũng có thể làm giảm trương lực cơ trực tràng và cơ thắt hậu môn do mất kali. Cơ thắt hậu môn có vai trò rất quan trọng trong việc giữ phân trong trực tràng. Nếu cơ thắt này bị tổn thương sẽ không đủ trương lực để giữ phân lại (cho đến khi xấp xỉ 300g mới có phản xạ đại tiện) khiến cho phân són ra ngoài.
- Do tổn thương các sợi thần kinh nhạy cảm với khối lượng phân từ đó kiểm soát sai mức độ đóng mở của cơ thắt hậu môn. Các thương tổn này có thể do thói quen nhịn đại tiện quá lâu.
- Một số nguyên nhân khác như sẹo mổ, viêm nhiễm, điều trị tia xạ, khối u, polyp, bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu, thoát vị trực tràng vào âm đạo ở phụ nữ, các búi trĩ lớn ngăn cản quá trình đóng mở của cơ thắt hậu môn…
Để điều trị đại tiện không tự chủ, bệnh nhân có thể được sử dụng các thuốc điều trị tiêu chảy, thuốc giảm nhu động ruột để làm giảm tần xuất đi đại tiện. Nếu bệnh nhân bị táo bón, có thể thụt tháo hoặc cho các thuốc nhuận tràng như sorbitol, forlax…
Một số phương pháp phẫu thuật cũng được áp dụng để chữa trị bệnh như tạo hình , sửa chữa cơ thắt hậu môn; phẫu thuật sửa tình trạng sa trực tràng, thoát vị trực tràng vào âm đạo; thay cơ thắt hậu môn nhân tạo; bơm các chất (như silicon) vào làm tăng trương lực cơ thắt hậu môn và khi các phương pháp này thất bại thì phẫu thuật cắt mở đại tràng, làm hậu môn nhân tạo sẽ được chỉ định.
Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp cho tình trạng của mình, tránh những biến chứng xấu có thể ảnh hưởng đến tương lai lâu dài.
Ngoài ra, em nên thay đổi chế độ ăn uống, chú ý bổ sung các loại thực phẩm nhuận tràng chống táo bón như rau xanh, hoa quả, đồng thời uống nhiều nước, tập thói quen đại tiện vào một giờ nhất định, giữ cho vùng hậu môn, trực tràng luôn khô ráo sạch sẽ, mặc đồ lót mềm chất liệu sợi bông.
Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
No comments:
Post a Comment