Friday, January 24, 2014

'Vỉa hè Văn Miếu là đất thiêng để cho chữ'

'Vỉa hè Văn Miếu là đất thiêng để cho chữ' - Cả một đời nghiên cứu về Hán Nôm, tiến sĩ Cung Khắc Lược khẳng định, vỉa hè Văn Miếu là mảnh đất thiêng, là nơi “đắc địa” để cho và xin chữ. Khu “Phố ông đồ” mới với các gian chật chội, khung sắt, mái che không phù hợp với việc sáng tạo thư pháp.

Dạo quanh khu vỉa hè Văn Miếu, nơi các “ông đồ” đang cho chữ “chui”, không khó để bắt gặp Tiến sĩ Cung Khắc Lược. Nổi bật với mái tóc bạc trắng và bộ quần áo giản dị của một nhà nho, ông đồ Lược vẫn mải miết cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu.

Là một trong những người đầu tiên khởi xướng việc cho chữ ở Văn Miếu, Tiến sĩ Cung Khắc Lược (77 tuổi) – một trong tứ trụ Hán Nôm Việt Nam, nguyên cán hộ nghiên cứu của viện Hán Nôm quốc gia phản đối gay gắt việc quy hoạch phố ông đồ vào khu Văn Hồ - Quốc Tử Giám.

Tiến sĩ cho biết: “Gần 800 năm trước, khi Quốc Tử Giám được đổi thành Quốc Học Viện bởi vua Trần Thái Tông, vỉa hè ông đang ngồi được gọi là Tả Thanh Môn, là nơi mà các sĩ tử khắp mọi miền đất nước đổ về chờ giờ thi đến. Tả Thanh Môn cũng là con đường dẫn đến Cửa Nam để đánh chuông kêu oan, hay thông báo những việc trọng đại. Vì vậy, đây chính là mảnh đất “thiêng”, nơi “đắc đạo” để cho và xin chữ”.
'Vỉa hè Văn Miếu là đất thiêng để cho chữ'

Tiến sĩ Cung Khắc Lược cho chữ bên vỉa hè Văn Miếu.

Ông cho biết, chữ Nôm chỉ được viết một nét mới đạt chuẩn.

Cùng với họa sĩ Nguyễn Trần Thái, nhà thư pháp Lê Xuân Hòa, tiến sĩ Cung Khắc Lược đã khởi sướng việc cho chữ ở Văn Miếu được hơn 10 năm nay với mong muốn, “Phố ông đồ” trở thành một địa điểm để các nhà biết và yêu thư pháp tụ họp, đồng thời gìn giữ văn hóa cho và xin chữ tưởng rằng đã mai một từ bao đời nay.

Giải thích ý nghĩa cho người xin chữ.
Tiến sĩ một xây dựng một nơi cho các nhà thư pháp đến tụ họp.

Cả một đời nghiên cứu Hán Nôm, làm thầy giáo và hơn 10 năm cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu, “ông đồ” Lược chua xót: “Văn hóa cho và xin chữ trên vỉa hè mỗi dịp du xuân của người dân đã có từ bao đời nay. Nhiều người cũng quen với việc ông đồ bày mực tàu và tờ giấy đỏ mỗi dịp tết đến xuân về. Việc quy hoạch với nhiều chính sách mới vô hình chung làm mất đi cái “thú” vui đó và gây khó khăn cho nhiều ông đồ muốn cho chữ và tụ họp để bàn về thư pháp”.

“Ông đồ” Văn Thùy (Hưng Yên) tấp nập người xin chữ.

Vừa cho chữ, vừa giải thích về nguồn gốc của giấy viết, nghiên mực và ý nghĩa của con chữ cho người xin... ông đồ Lược cho biết thêm, chữ Nôm là quốc ngữ của dân tộc, với những đường nét mang nhiều ý nghĩa sâu xa, chữ Nôm phải được viết bằng một nét trong phong thái tự do, thoải mái. Vì vậy, khu “Phố ông đồ” mới với các gian chật chội, khung sắt, mái che không phù hợp với việc sáng tạo thư pháp.
Sáng tạo thư pháp cần không gian rộng, thoáng đãng.

Ông cũng nhấn mạnh, là một nhà hoạt động văn hóa, việc cho chữ trên vỉa hè của ông không phải để mua bán mà muốn nhiều thế hệ của Việt Nam ngày nay được nhìn, biết và hiểu về thư pháp của dân tộc.
"Phố ông đồ" mới vắng bóng người qua lại.

Ngồi một góc trên vỉa hè, dựa lưng vào Văn Miếu, nhiều người dân đi qua nhận ra “ông đồ” Lược đều cúi xuống một chữ “lạy thầy” hai chữ “kính thầy”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, từ khi 6 tuổi, tiến sĩ Cung Khắc Lược đã được học viết thư pháp. Với lối viết đặc biệt được gọi là cuồng thảo, ông cũng là người duy nhất trong giới thư pháp có học vị tiến sĩ. Ông viết chữ mà cảm giác như có lửa trong bàn tay, chữ cứ thế mà viết ra. Trong cái thanh tao hiền triết của ông, người ta có thể thấy thẳm sâu một mối sầu nhân thế, sự day dứt không nguôi về hình ảnh thầy đồ ngồi ngoài phố, về thời kì hưng thịnh của những con chữ.

An Nguyên - Nguoiduatin.vn

No comments:

Post a Comment