Wednesday, January 15, 2014

Phong Tục Cúng Ông Táo Về Trời

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.

Phong tục cúng ông Táo về trời là một nét đẹp trong tín ngưỡng người Việt. Ảnh: internet

Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Phong Tục Cúng Ông Táo Về Trời
Thị Nhi có chồng là Trọng Cao. Tuy ăn ở mặn nồng tha thiết với nhau, nhưng mãi không có con. Vì vậy, dần dà Cao hay kiếm chuyện xô xát dằn vặt vợ.

Một hôm, chỉ vì một chuyện nhỏ, Cao gây thành chuyện lớn, đánh Thị Nhi và đuổi đi.

Nhi bỏ nhà, lang thang đến một xứ khác và sau đó gặp Phạm Lang. Hai người kể cho nhau nghe về cuộc đời mình rồi nảy sinh tình cảm, kết thành vợ chồng.

Phần Trọng Cao, sau khi nguôi giận thì quá ân hận, nhưng vợ đã bỏ đi xa rồi. Ray rứt và nhớ quay quắt, Cao lên đường tìm kiếm vợ.

Ngày này qua tháng nọ, tìm mãi, hết gạo hết tiền, Cao phải làm kẻ ăn xin dọc đường. Cuối cùng, may cho Cao, tình cờ tìm xin ăn đúng nhà của Nhi, nhằm lúc Phạm Lang đi vắng. Nhi sớm nhận ra người hành khất thân tàn ma dại đúng là người chồng cũ của mình. Nàng mời vào nhà, nấu cơm mời Cao.

Đúng lúc đó, Phạm Lang trở về. Nhi sợ chồng nghi oan, nên giấu Cao dưới đống rơm sau vườn.

Chẳng may, đêm ấy, Phạm Lang nổi lửa đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng.

Thấy lửa cháy, biết Cao ở trong đó, Nhi lao mình vào tính cứu Cao ra. Thấy Nhi nhảy vào đống lửa, Phạm Lang thương vợ cũng nhảy theo. Cả ba đều chết trong đám lửa.

Trên thiên đình, Ngọc Hoàng, biết cả ba người đều thật lòng thương nhau, mới cho họ ở cùng một chỗ và làm Táo quân, quấn quýt bên bếp hồng. Vậy nên từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hi vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.

Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp "phù trợ" cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời. Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12 giờ trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

Miền Bắc, người ta thường mua cá chép sống về cúng rồi thả xuống sông, hồ hoặc thả vào giếng, nuôi cá cho đến lớn để cá trông coi gia đình luôn thịnh vượng, con cháu được đỗ đạt, làm ăn được thuận lợi. Riêng vùng Nam Trung Bộ trở vào thì tục lệ này có phần khác, theo quan niệm của họ, để tỏ lòng biết ơn các Táo, họ có thể dâng hoa quả, kẹo, bánh mứt... miễn là đồ ngọt, là cây nhà lá vườn chứ không cần cầu kì, mà chỉ cần lòng thành. Đặc biệt ở các tỉnh Nam Trung bộ thường có bánh cốm làm bằng bột nếp rang nở, ở miền Nam là món bánh mè hay còn gọi là “thèo lèo”.

Dù phong tục và cách thức tiễn đưa Ông Táo ở các vùng miền có phần khác nhau, nhưng có thể nói tục cúng Ông Táo đã trở nên rất quen thuộc và phổ biến, là một phong tục đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng là một nghi lễ chính thức để bắt đầu cho những ngày Tết cổ truyền của người Việt. Từ đó, cũng thấy được sự trân trọng của nhân dân ta đối với đời sống gia đình, công việc bếp núc, việc chăm sóc dinh dưỡng cho mọi người, cũng như ý thức lối sống nề nếp, cách cư xử đúng mực của người Việt mỗi khi Tết đến xuân về.

Hoàng Nguyễn
Lukhachdem Sưu Tầm
__________________________________________________ 
Lukhachdem Chúc Các Bạn 1 Ngày Thật Vui! 
Lukhachdem Blog LKD: http://lukhachdemit.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment