Tuesday, August 5, 2014

Truyện Online Khoảng trời không bình yên

Truyện Online - Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mọi khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn luôn giữ trong mình một niềm tin, để thấy cơ hội luôn đón nhận và không quá chật hẹp với mỗi chúng ta. Tôi cảm nhận có một hạnh phúc, có một niềm vui nhỏ bé sau khi tôi hoàn thành được cái niềm tin mà tôi ấp ủ suốt ngần ấy năm.

***

Truyện Online Khoảng trời không bình yên
Truyện Online Khoảng trời không bình yên
Theo thời gian, ký ức ấy trong tôi như một thước phim đã ngả màu ố vàng, chẳng còn rõ nét. Nhưng những chi tiết, diễn biến của câu chuyện còn rất đầy đủ bởi nó là một câu chuyện có thật mà tôi luôn tự nhủ mình phải khắc ghi, luôn phải nhớ, nuôi hy vọng và không cho phép mình từ bỏ ý định viết lại câu chuyện ấy. Bởi tình yêu thương giữa những con người và bởi một lời hứa. Trong chiếc áo ấm, có đứa đội mũ len, đứa thì khăn quàng cổ...nhìn cũng giống như bao bạn dưới đồng bằng đối phó với mùa đông trong những ngày tháng lạnh giá cuối năm.

Buổi học hôm ấy, còn nhớ trời mưa bay bay như mưa xuân. Cô giáo bước vào lớp, ngạc nhiên thấy hơn một phần ba lớp nghỉ học. Nhìn cô vừa buồn vừa giận, cô trách: với vong linh người đã khuất.

Thôn 9 - Nghĩa Hưng – ChưPăh -Gia Lai mùa đông năm 1998.

Hồi ấy, tôi là một cô bé học lớp năm. Mùa đông trên Tây Nguyên không quá khắc nghiệt như ở đồng bằng, không lạnh cắt da thịt, không quá rét buốt nhưng cũng đủ khiến cho mấy lũ bạn trong lớp tôi nhìn đứa nào cũng co ro.

- Hôm nay đâu có lạnh lắm, mưa nhỏ thế này mà mấy bạn nam lớp mình cũng lấy cớ nghỉ học.

Hồi ấy, ở trường học vùng cao, mưa làm những con đường đất vốn đã khó đi lại càng trở nên lầy lội, trơn trượt, nhiều bạn thấy mưa to ngại đến trường học, thường nghỉ luôn. Làm giáo viên vùng cao vốn nhiều vất vả hơn vì học sinh tiếp thu bài thường chậm, ý thức học đa phần không cao, giáo viên lại phải thường xuyên khích lệ, động viên các em đến trường. Cô giáo đưa ánh mắt buồn nhìn lớp một lượt, trong đầu đang nhẩm xem có bao nhiêu em vắng mặt trong buổi học ấy.Vài phút sau, có một tốp bốn, năm bạn nam bước vào lớp cùng một lượt. Cô hỏi:

- Sao các em đi muộn vậy?

Mấy cái miệng cùng nhao nhao:

- Bọn em đi xem người ta bắt trộm cô ạ.

- Trộm ở thôn 9, khu nhà bà Bảy mập bán bánh mì ấy.

- Khu ấy bị trộm mấy hôm nay luôn, thằng trộm nhỏ lắm cô ạ.

- Mấy bạn nam lớp mình vẫn còn ở đó bắt trộm, chưa về lớp cô ạ.

Tất cả mấy lũ nhóc còn lại đang ngồi trong lớp chúng tôi đểu mắt chữ O, mồm chữ A, chăm chú dỏng tai hóng chuyện. Cô giáo cũng có vẻ quan tâm, cô hỏi tiếp:

- Bạn nhỏ đó ăn trộm cái gì mà bị bắt? Bắt được chưa?

Mấy cái miệng lại nhao nhao tiếp:

- Ăn trộm toàn mấy đồ ăn, đồ uống ở mấy quán ven đường cô ạ.

- Hôm trước nó vào xin bánh mỳ quán nhà bạn Thân lớp mình, không cho nó còn đi qua đi lại rình để ăn trộm.

- Nó còn lẻn vào quán bà Bốn già ở gần đường, lấy trộm mấy đồ ăn vặt bà để bên ngoài.

- Người ta vây bắt nó, thấy nó chạy qua ruộng, lên phía đồi cây cao su, đang rình nó quay ra để bắt.

- Nó ở đâu đến ấy, không phải người ở đây đâu ạ.

...

Ra chơi giữa buổi cũng là lúc mấy anh chàng vắng mặt từ đầu buổi học xuất hiện. Cậu nào cậu ấy quần áo xộc xệch, lấm bẩn, mặt mũi hớt hải, lem nhem, hớn hở thông báo tin đã bắt được thằng trộm ở cái cầu sắt vắt qua suối, cách lớp học chúng tôi không bao xa. Mấy đứa hiếu kỳ rủ nhau chạy ra đó xem, đứa nào cũng tò mò về thằng trộm còn trẻ con ấy. Tôi cũng hào hứng chạy theo mấy đứa bạn.

Len vào trong đám có cả trẻ con, người lớn đứng khá đông ở đấy. Khi ánh mắt tôi nhìn thấy kẻ ăn trộm ấy, cũng là khi trong lòng trào lên một nỗi xót thương: tôi nhìn thấy một cậu bé chỉ cao hơn mình khoảng nửa cái đầu, sau này nghe mọi người bàn tán tôi mới biết là anh chàng ấy lớn hơn tôi hai tuổi. Giữa cái lạnh giá cuối năm, con người gầy gò, đáng thương ấy chỉ có một bộ quần áo mỏng, rách rưới và ướt sũng vì bị ngã xuống suối trong lúc chạy trốn, chân không dép, từng làn gió mùa đông ùa qua nhẫn tâm là da thịt cậu ấy tím ngắt, run lên bần bật vì lạnh và có lẽ cả sợ hãi. Trên khuôn mặt non nớt đầy vẻ sợ sệt và mệt mỏi ấy, mắt sưng húp lên vì những giọt nước mắt rơi thật mau, miệng khóc nấc lên từng hồi như hình ảnh một đứa trẻ con bị bố đánh cho một trận đòn nhừ tử vậy. Trong cái đói rét, sau cuộc chạy trốn, rượt đuổi, con người đó đường như đang dần kiệt sức.

Trông bộ dạng rất đáng thương và tội nghiệp của một đứa trẻ, người dân xung quanh đó ai cũng động lòng thương. Chẳng có ai đánh chửi gì thằng ăn trộm ấy cả. Người lớn chỉ nhẹ nhàng hỏi nó mấy câu hỏi rằng nó nhà ở đâu, bố mẹ ra sao, vì sao ra cơ sự này,...tôi không nhớ rõ lắm, cũng không nhớ rõ lắm câu trả lời của tên trộm ấy. Nhưng cái hoàn cảnh của tên trộm thì tôi rất nhớ, vì nó quá bi đát, khiến cho những ai chứng kiến ở đấy cũng cảm thấy rất xót xa. Cậu ấy kể rằng gia đình cậu ấy có hai anh em trai, bố mẹ sống với nhau không hạnh phúc, hậu quả của một tổ ấm tan vỡ ấy là mỗi người chọn cho mình một lối đi riêng, đều xây dựng một tổ ấm khác ngay sau đó. Bố đẻ thì lấy vợ mới rồi về ngoài Bắc, mẹ dẫn hai anh em theo người bố dượng vào trong miền Nam sinh sống.

Như một đứa trẻ con nức nở kể tội mấy đứa bạn cùng lớp để mách bố mẹ nó rằng nó đã bị lũ bạn bắt nạt như thế nào, cậu bé ấy đang kể ra những ấm ức, đau khổ cả về thể xác và tinh thần mà hai anh em cậu phải chịu, giọng nức nở nghẹn ngào. Bố dượng suốt ngày đánh mắng hai anh em cậu, đuổi ra ngoài đường, bắt nhịn đói, thậm chí ăn lại cơm thừa của chó hệt như đứa con lớn của chị Dậu xưa kia bị nhà... đối xử sau khi mua về vậy. Qúa sợ hãi và bị ám ảnh bởi những trận đòn, cách đối xử tàn bạo, nhẫn tâm. Không thể chịu nổi cảnh ấy, cậu anh mới mười ba tuổi dắt tay cậu em trai còn bé xíu, mới chỉ ba tuổi, đi còn chưa vững, chạy còn không được ấy bỏ nhà ra đi từ Nam ra Bắc để tìm bố đ . Cậu bé ấy cứ đứng khóc suốt, chẳng chịu đi. Người ta hỏi vì sao. Cậu trả lời vì cậu bị lạc mất em trai rồi, cậu không biết tìm em ở đâu, hy vọng em sẽ quay lại đây, nên cậu cứ đứng chờ.

Mọi người khi ấy mới giật mình nhớ ra cậu em ba tuổi ấy, có người nhìn thấy trong lúc chạy trốn, người anh từ con đường chính kéo em trai mình lao xuống con suối gần đó, anh dìu em chạy qua suối lên bên kia là ruộng, chạy theo đường mòn sẽ lên trên đồi cây cao su, đi hết đồi cây cao su sẽ tiếp giáp một chân núi. Nhưng khi lên đến ruộng, bị người dân rượt đuổi sát quá, cậu bỏ em lại, chạy theo hướng lên đồi cây cao su. Cậu em chạy còn chưa vững ấy cứ thế theo con đường mòn, theo cái hướng anh trai chạy đó để đi theo. Người ta chỉ quan tâm bắt thằng ăn trộm, chẳng mấy ai để ý thằng em nhỏ, chẳng ai biết cậu em ấy ra sao. Cậu em ấy đâu rồi?

Hình ảnh một cánh chim lạc loài, mất tổ ấm bơ vơ không biết về đâu giữa màn đêm tối, giữa cơn bão tố đang giật mạnh cứ hiện hữu trong giấc mơ của tôi. Sự trăn trở, u buồn của tôi không thể nào giấu nổi ánh mắt của mẹ. Với sự quan tâm, yêu thương và trái tim nhạy cảm của một người mẹ, mẹ biết con gái mẹ có một tâm sự trong lòng. Mẹ gọi tôi lại và hỏi:

- Con có chuyện gì phải không?

- Mẹ ơi, trời rét thế này liệu anh em thằng ăn trộm hôm trước có bị ốm không? Mà liệu anh em họ có tìm được nhau không hả mẹ? Con thương họ quá. Nếu trẻ con mà bị đói thì mấy ngày sẽ chết hả mẹ?

Tôi hỏi mẹ, những câu hỏi thật ngốc nghếch của một đứa trẻ con. Mắt mẹ nhìn xa xăm, mẹ cũng là một người rất nhân hậu, mẹ rất hay làm phúc, thương xót trước những mảnh đời bất hạnh, hay cho những người ăn xin ngoài đường...chắc hẳn mẹ cũng rất xót xa trước mảnh đời rất đáng thương như vậy. Mẹ không trả lời câu hỏi của tôi. Lặng im suy nghĩ một lát, chẳng biết mẹ nghĩ những gì mà ánh mắt buồn thật đăm chiêu, một lát sau mẹ buột miệng:

- Bố mẹ không hạnh phúc con cái bao giờ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, trẻ con đâu có tội tình gì, chẳng nghĩ mà thương con cái. Khổ thân thằng bé, mới có tí tuổi mà đã phải trộm cắp, cuộc sống như thế, thằng bé sau này có lớn lên rồi cũng lại chẳng ra sao.

Năm ngày sau. Câu chuyện ấy lại được mẹ con tôi nhắc lại. Nhưng lần này là mẹ tôi tuôn ra một tràng, còn tôi nghe xong thì ngồi im lặng đăm chiêu suy nghĩ. Mẹ kể:

- Người ta bảo bố thằng Tú lớp con ấy, ông đấy kể là lên rừng lấy than, trong lúc chở than ở trên núi về, đi xuống dốc thấy thằng em vẫn còn sống, thấy nó vừa đi vừa khóc lả đi vừa gọi anh nó nhưng ông ấy lại đi luôn, mặc kệ thằng bé. Rõ khổ thân thằng bé, nhà ông ấy mà không nuôi được thì ông ấy cứ dẫn nó về, ai muốn nhận nó làm con nuôi thì nhận. Ở trên rừng thì chẳng sống nổi được, thằng bé chết chắc.

Truyện Online Khoảng trời không bình yên
Tôi lúc đầu thấy thật bất ngờ, thật khó tin nổi, quả là Chúa đã nghe thấy lời thỉnh cầu của tôi, chúa đã thương tình và cứu vớt cho cậu bé. Giữa cái lạnh giá như thế, giữa những cơn mưa bão như thế, giữa cái đói khát, chưa kể đến những con thú dữ trên núi, vậy mà một đứa bé gần ba tuổi vẫn có thể sống sót sau vài ngày bị lạc trong rừng núi. Tôi vui mừng chỉ ít phút, lúc sau lại cảm thấy thương cậu bé vô hạn, trong đầu tưởng tượng ra cảnh một cậu bé đang lả đi vì đói, đầu sốt cao vì mưa bão, vừa lê những bước chân khó nhọc trong sợ hãi, hoảng loạn, tuyệt vọng gọi tên cậu anh một cách rất thương tâm. Cũng không thể trách được bố thằng Tú. Đường rừng núi rất khó đi, đi bộ thôi đã khó, đèo dốc dựng đứng, trơn trượt rất nguy hiểm. Huống chi bố nó còn phải dắt một cái xe đạp chở nặng những bao nhiêu là than, làm sao dắt được thêm một cậu bé nữa. Hơn nữa...nhà ông ấy lại rất nghèo và đông con, nuôi con còn chẳng đủ ăn, còn đói khổ, khi những người con của ông ấy còn chẳng lo được no đủ, thì làm sao ống ấy dám dắt thêm một đứa trẻ nữa về nuôi, lo lắng cuộc sống cho nó?

Tôi reo vui thầm trong lòng, lặng lẽ theo đường mòn đi lên núi, một hy vọng mong manh sẽ tìm được thấy em ấy. Dù biết rằng tìm một con người trong rừng cũng khó khăn chẳng khác nào tìm một vật nhỏ bé dưới đáy biển, tôi ngốc nghếch vẫn hy vọng vào một phép màu. Tôi giấu mẹ vì mẹ biết chắc chắn sẽ ngăn cản. Nhưng...tôi cũng như bao đứa trẻ con khác, chẳng bao giờ dám đi quá xa cái nhà của nó, chẳng dám khám phá những con đường xa lạ quá sâu trong rừng, ít nhất là trong tầm kiểm soát an toàn để quay về. Núi rừng thì thăm thẳm sâu, âm u, hoang vắng thật đáng sợ. Nghe mẹ bảo trên rừng còn có ma, có thú dữ ăn thịt người. Một con nhóc lớp năm như tôi khi ấy chẳng dám đi sâu vào, cũng chẳng dám ở rừng lâu, tôi quay trở về với cái mặt buồn thiu, tự trách mình đã không can đảm đi sâu hơn vào rừng.

Hôm sau...hôm sau nữa, tôi vẫn tiếp tục bí mật chạy vào núi trong chốc lát để tìm em ấy, nhưng rồi cũng như mọi lần, chẳng lần nào tôi dám ở lâu và dám đi sâu vào, lần nào cũng thất vọng quay về. Được ba lần thì sự thất vọng đã đánh gục tôi, ngày thứ tư tôi đã không còn tìm kiếm nữa, vẫn hy vọng ở một phép màu rằng sẽ có người nhìn thấy em ấy và đưa em về. Những cơn mưa và những trận gió bão vẫn thét gào, như lên án tội ác của những đấng sinh thành...

Năm ngày sau, tôi đã được mẹ thông báo ngay cái tin khiến tôi rất đau xót. Bằng giọng nói trầm buồn, mẹ kể:

- Thằng bé ấy chết rồi, nó đi theo đường mòn ra đến chân núi, gần đồi cây cao su thì kiệt sức. Lúc người ta nhìn thấy thì xác của nó bị đàn quạ rỉa gần hết, bao nhiêu kiến với côn trùng bâu đen bâu đỏ, chẳng còn nguyên vẹn.Người dân đào một cái hố sơ sài, chôn nó ngay tại đó.

Có một cảm giác thật choáng váng, xót thương dâng lên trong lòng, nước mắt tôi tuôn rơi thật mau. Chưa kịp thay quần áo đi học, tôi vội đạp xe thật nhanh, lao ngay về phía đồi cây cao su, mặc cho mẹ đang gọi phía sau.

Ngôi mộ em nơi đây chỉ là một nắm đất chẳng có khói hương, một cái xác chôn sơ sài nằm đó như người ta chôn một con vật bị chết, không người thân khóc thương, không đồ cúng lễ. Nơi hoang vu chỉ có cỏ cây và gió, lạnh lẽo, đơn độc. Trời thương xót khóc tuôn những hạt mưa rất mau xuống nơi đây, hòa với giọt nước mắt của tôi, thấm xuống ngôi mộ đáng thương của em, gió bão đang thổi mạnh cho những hàng cây cao su nghiêng mình đưa tiễn, trời mây u ám, lạnh ngắt...cảnh tượng buồn thê lương.

Nghĩ đến vong linh em nằm đây quanh năm lạnh lẽo không hương khói, không cúng giỗ, người nhà em chắc hẳn không biết được điều này, họ sẽ đi tìm, sẽ lo lắng khiến tôi không khỏi đau lòng. Suy nghĩ một hồi, tôi đã hứa trước vong linh của em rằng sau này tôi sẽ làm nhà báo, viết nên câu chuyện của em với hy vọng mong manh rằng người nhà hay người quen của em sẽ đọc được, sẽ liên hệ để tìm đến đây, để đưa em về nhà, về quê hương mà hương khói. Người nhà của em chắc chắn cũng sẽ không còn phải nỗ lực tìm kiếm trong mệt mỏi và vô vọng nữa. Bởi lẽ hồi ấy, thông tin, truyền thông không mạnh mẽ như bây giờ, nhất là một xã vùng cao Tây Nguyên, dân cư thưa thớt, hẻo lánh. Bây giờ, bất kỳ ra đường, gặp chuyện gì như đánh nhau, tai nạn, hay đủ thứ chuyện mà bạn cho là thú vị thì bạn đều có thể rút ngay điện thoại ra để mà chụp ảnh, quay phim là có thể gửi một bài báo nào đó để đăng lên rồi. Còn hồi ấy, chiếc điện thoại còn là một thứ đồ xa xỉ ở đây. Câu chuyện về cái chết bi thương của em hồi ấy cũng chẳng được đăng tải trên bất kỳ một tờ báo hay phương tiện truyền thông nào cả. Có chăng nó vẫn còn đọng lại trong ký ức của những người dân quanh đây khi chứng kiến câu chuyện ấy.

Thời gian thấm thoắt trôi, hơn mười sáu mùa đông nữa đã trôi qua. Cô bé lớp năm ngày nào giờ đã là một cô gái trưởng thành. Ông trời vốn thường chẳng thuận theo ý con người, cô đã không được trở thành nhà báo như ước mơ thuở nào, theo nguyện vọng gia đình, cô theo chuyên ngành kế toán và khi cô gái ấy cũng chính là tôi lúc đang ngồi gõ những dòng chữ này thì tôi đã tốt nghiệp ra trường được năm năm. Lời hứa trước vong linh người đã khuất vẫn luôn còn đó trong tâm trí. Nhất là những khi gặp trời trở rét, những cơn bão như nhắc nhở, thúc giục. Câu chuyện về cậu bé chết dưới chân núi khi xưa lại ùa về, hiện hữu đến mức như ám ảnh tâm can về một lời hứa và khi những người dân đi lấy mủ cao su vào sáng sớm vẫn thường rỉ tai nhau nhiều lần nhìn thấy hồn ma của em. Nhưng thật đáng tiếc với chuyên môn của mình, hy vọng đưa câu chuyện ấy đến nhiều người đã trở nên mong manh trong tôi.
Tháng 3 năm 2013, trong một đêm mưa gió, câu truyện cùng lời hứa khi xưa lại ùa về khiến tôi cảm thấy bứt rứt, trong lòng khó chịu, có gì đó nóng ruột như nhắc nhở, như thôi thúc, trăn trở không thể ngủ được. Hơn ba giờ sáng, tôi ngồi dậy, mở lap, viết lại câu chuyện ấy trên Facebook cá nhân để cho lòng nhẹ nhàng hơn một chút. Thật bất ngờ, status ấy của tôi được khá nhiều người chia sẻ, trong đó có cả những người không nằm trong danh sách bạn bè tôi (có lẽ họ cũng có một hy vọng mong manh về sức mạnh của truyền thông giống tôi hồi ấy chăng? Rằng để nhiều người đọc được biết đâu thông tin ấy sẽ đến được với người nhà của em?). Phía dưới status cũng có khá nhiều những comment rất xúc động, đau xót, cảm thông và cả cầu nguyện cho vong linh của em, có người nói rằng họ đã khóc vì xúc động trước câu chuyện ấy. Chính sự xúc động, cảm thông, chia sẻ của những con người tôi không quen biết trên face ấy đã tạo cho tôi một động lực rất lớn để tiếp tục nuôi hy vọng bấy lâu. Một mong ước câu chuyện sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa để cùng nhau cảm thông, cầu nguyện cho người đã khuất và biết đâu sẽ có một phép màu nào đó để gia đình họ đọc được và tìm tới.

Tôi có liên hệ với một người làm nhà báo thì được biết rằng câu chuyện ấy bây giờ để viết lên báo sẽ rất khó khăn vì một bài báo cần phải có ảnh chụp, có nhân chứng, vật chứng, tính xác thực thông tin, tính thời sự nóng hổi và quan trọng nhất là tìm được người anh trai...vân vân và vân vân.Tôi cũng nhiều lần tự hỏi rằng liệu cậu anh trai ấy có còn sống sót hay không? Nếu không, đó quả là một bi kịch quá thê thảm cho một gia đình. Nếu may mắn hơn, cậu ấy sẽ mang một vết thương không thể xóa nhòa trong suốt cuộc đời. Những ám ảnh về ngày tháng lang thang đói khát khi còn quá nhỏ ấy cùng sự mất tích của người em trai chắc hẳn sẽ in hằn những vết sẹo không thể xóa mờ theo thời gian, luôn gây đau đớn và nhức nhối trong lòng. Với sự khởi đầu bước vào đời như vậy, cậu anh trai ấy liệu có được phát triển bình thường như bao con người khác? Hay sự đau đớn, tủi khổ và cả hận thù về gia đình sẽ biến cậu ấy trở thành một con người chẳng khác nào Chí phèo khi xưa.

Tháng 7 năm 2014, sau hơn mười sáu năm ấp ủ và nuôi hy vọng , tôi quyết định viết lại câu chuyện ấy và đem gửi nó vào một cuộc thi viết truyện ngắn. Bởi lẽ, câu chuyện của tôi nếu chẳng đủ những điều kiện nhất định của ngành báo chí về ảnh hay nhân chứng, vật chứng, xác thực hay tính nóng hổi của thời sự thì với truyện ngắn không có quy định như vậy. Thậm chí, truyện còn cho phép được hư cấu, huống chi câu chuyện này lại là câu chuyện có thật. Bây giờ, tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều sau mọi cố gắng của mình, bởi tôi đã làm tất cả những gì có thể với lời hứa khi xưa trước vong linh của người đã khuất. Sau mười sáu năm nuôi một hy vọng, giữ một niềm tin, đã có một cơ hội dành cho lời hứa khi xưa của tôi và tôi tin rằng luôn có một cơ hội cho bất kỳ ai nếu bạn luôn giữ niềm tin và cố gắng.

Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, mọi khó khăn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn nếu bạn luôn giữ trong mình một niềm tin, để thấy cơ hội luôn đón nhận và không quá chật hẹp với mỗi chúng ta. Tôi cảm nhận có một hạnh phúc, có một niềm vui nhỏ bé sau khi tôi hoàn thành được cái niềm tin mà tôi ấp ủ suốt ngần ấy năm. Bây giờ, cái hạnh phúc nhỏ bé của tôi là hy vọng tiếp theo về một phép màu, tiếp tục nuôi cái hy vọng nhỏ bé, mong manh của tuổi thơ ngày xưa, rằng sẽ có một phép màu trong cuộc sống này để câu chuyện có thể đến được với gia đình của em.

· Thu Thủy - website blogviet.com.vn - nhacvietplus.com.vn

No comments:

Post a Comment