Những lúc người lớn không có nhà, anh út thường hay rủ tôi vào trong buồng, chơi trò vợ chồng. Anh hay dụ tôi bằng kẹo cao su, dù chả thích thú gì cái trò ấy nhưng nhiều lúc vì thèm kẹo tôi vẫn theo anh vào nhà.
Viết những dòng này nước mắt tôi lại rơi, tưởng là lì lợm trước nỗi đau nhưng mỗi khi nghĩ về gia đình tôi lại không sao cầm lòng nổi. Tôi tự hỏi mình có phải là đứa con bất hiếu không khi mang lòng giận bố mẹ, bảo cầm điện thoại gọi về tâm sự với bố mẹ những lời thương yêu như trước kia tôi không sao làm nổi.
Tôi sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường, bố và mẹ đều là người được ăn học, có thể coi là những người có trình độ trong xã hội. Tuổi trẻ của mẹ trôi qua trong vất vả vì sau biến cố, cả gia đình danh giá của mẹ bỗng chốc đổ sụp tan tành, tài sản mất hết, ông ngoại mất, bà ngoại và các anh chị em còn lại của mẹ lần lượt bị bệnh, trở thành những người tàn tật nghèo khổ. Một mình mẹ lành lặn, lo làm lụng đỡ đần bà, nuôi mọi người, vậy nên mẹ muộn chồng, sống hiền lành và vô cùng cam chịu.
Bố là con nhà giàu, sau biến cố thời thế, tài sản bị tịch thu hết. Ông là người đa tài nên làm được rất nhiều việc, được trọng vọng. Khi chúng tôi còn nhỏ, lúc nào cũng được coi là con nhà giàu. Gia đình vốn được coi là hình mẫu lý tưởng để mọi người nhìn vào làm gương học tập. Bố về bản chất là người tốt, sống trung thực, khoáng đạt, rộng rãi, hay giúp đỡ mọi người. Có điều ông là người gia trưởng, mẹ lại là người cực kỳ hiền lành, nhẫn nhịn nên ông càng lấn át, muốn gì làm nấy không ai được trái ý.
Ông là người làm ra tiền, làm nhiều tiêu nhiều, mua sắm những đồ đạc xa xỉ, những đồ mà giá trị thời đó nếu không mua thì có thể để mua được cả một ngôi nhà vừa phải. Mẹ xót ruột chả dám nói gì, chỉ thở dài. Ông rất rộng rãi với bạn bè, giúp đỡ, đãi mọi người liên tục, trong khi mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình mẹ phải lo, mấy đứa con lít nhít, quẩn chân quẩn tay, mẹ đâu có thời gian nhiều để chuyên tâm vào công việc. Vậy nên mẹ cũng chả bao giờ có tiền để tích lũy.
Ông là người gia trưởng, trong khi luôn vui vẻ hài hước với bạn bè, hàng xóm thì với vợ con lúc nào cũng chỉ có ánh mắt lạnh lùng, lời nói là mệnh lệnh, mọi người chỉ có vâng lời, không bao giờ được cãi. Chả bao giờ tôi thấy ông chuyện trò tâm tình, âu yếm gần gũi các con. Mọi cái sai của chúng tôi đều bị quát mắng nặng nề, bị phạt đòn, còn mọi sự cố gắng của chúng tôi không bao giờ có một lời động viên khích lệ.
Không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề u ám, sợ hãi và cô độc. Điều này dần ảnh hưởng tới tâm lý của mấy anh em tôi. Anh trai từ một cậu bé thông minh, lém lỉnh, yêu thương em, càng ngày càng trở nên lầm lì, cục cằn, hung hãn. Mọi bức xúc dường như anh đổ hết lên đầu tôi và các em. Những trận đòn diễn ra như cơm bữa, lời mắng chửi mạt sát, rủa xả bằng những ngôn từ cay độc nhất có thể. Anh đánh tôi vì bất cứ lý do gì, kể cả vì tôi trông ngứa mắt hay vì tôi chỉ chậm làm theo yêu cầu của anh, mọi phản kháng của tôi sẽ phải lĩnh những trận đòn tàn nhẫn. Tôi khóc rất nhiều, cầu cứu mẹ, mẹ chỉ khuyên tôi chịu đựng, cầu cứu bố bị bố lôi cả tôi và anh ra đánh đòn vì tội làm loạn nhà cửa.
Em trai tôi từ cậu bé hiền như cục bột dần trở nên lì lợm và lập dị. Em thu mình vào một chỗ, hạn chế tiếp xúc với mọi người, trời nóng như thiêu đốt em cứ ở biệt trên tầng tum bé tí, nói thế nào cũng không xuống, không chịu ăn cơm cùng mọi người. Từ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi em dần trở thành đứa học dốt đến nỗi nếu không chuyển trường sẽ không được lên lớp. Mọi người trong nhà sợ em bị tâm thần. Riêng tôi biết vì sao em lại như vậy.
Tôi vô cùng sợ không khí gia đình, lúc nào cũng thèm khát, ước ao được những lời nói dịu nhẹ, được sự quan tâm và yêu thương. Càng cố gắng làm mọi việc, cố gắng chiều chuộng mọi người, tôi lại càng thất vọng nhiều hơn. Dường như một lời nói thương yêu được thốt ra làm mọi người xấu hổ hay sao ấy nên cái tôi nhận được chỉ toàn là những lời phũ phàng.
7 tuổi, tôi biết làm nhiều việc, thông minh, tháo vát, học giỏi, được cử làm lớp trưởng. Cô giao tôi kèm cặp một bạn học yếu trong lớp, là cháu người bảo vệ trường. Sau buổi học, tôi về phòng bảo vệ để kèm học cho bạn mình. Bạn tôi chậm chạp, hơi thiểu năng nhưng tôi rất sung sướng vì thấy mình có ích và được công nhận.
Ông của bạn hay cho chúng tôi kẹo, tỏ ra yêu thương, tôi rất thích. Những lúc ông sai bạn tôi đi ra ngoài làm cái gì đó, ông hay kéo tôi vào phòng, làm một việc khiến tôi thấy sợ. Ông dặn tôi không được nói với ai, dọa nếu nói sẽ mách cô đuổi học. Tôi sợ và im lặng. Chuyện cứ tiếp diễn như thế nhiều lần. Tôi không hiểu ông ta làm cái gì, cũng không biết hỏi ai, rồi có một lần tôi thấy có bạn trong trường bắt gặp, sau đó bạn hay chỉ chỏ tôi với mọi người, tôi sợ không đến phòng bảo vệ nữa.
Mọi chuyện trôi qua và quên đi. Khi mẹ sinh em út, gửi em bên hàng xóm, dặn tôi sau giờ học phải sang bên đó chơi với em. Nhà hàng xóm khá đông con, các anh chị đều đã lớn. Từ nhỏ tôi được gửi ở đây nên chúng tôi khá thân nhau. Anh út năm đó 16 tuổi, tôi lên 9. Những lúc người lớn không có nhà, anh út thường hay rủ tôi vào trong buồng, chơi trò vợ chồng, hỏi tôi có thích không. Anh hay dụ tôi bằng kẹo cao su, dù chả thích thú gì cái trò của anh ấy nhưng nhiều lúc vì thèm kẹo tôi vẫn theo anh vào nhà. Mọi chuyện lại diễn ra. Tôi dần thấy sợ hãi và rồi không sang những lúc bố mẹ anh không ở nhà nữa.
Trong ký ức của mình tôi không nhớ có lần nào bố hỏi chuyện tôi ngoài những lần bố nạt nộ mắng mỏ ầm ĩ nhà cửa. Mẹ cũng không mấy khi hỏi, bà chỉ luôn răn dạy phải thế nọ phải thế kia, con gái phải biết hy sinh, nhẫn nhịn, dịu dàng, biết nữ công gia chánh. Bà nội cũng thế.
Bố bị bệnh, ốm nằm nhà, đồ đạc ông sắm trước kia phải bán hết để lấy tiền thang thuốc vì lúc này, nghề của mẹ cũng không còn ai cần đến nữa. Hai mẹ con lang thang nhiều ngày đi vay mượn để lấy tiền mở hàng bán, gặp ai cũng lắc đầu, họ bảo hiền như mẹ thì buôn bán gì, đưa tiền cho khác gì ném qua cửa sổ. Rồi cuối cùng cũng có người giúp.
Tôi vốn là một học trò giỏi, tuy không được chăm lo kèm cặp gì nhưng vẫn được chọn vào khối năng khiếu, rồi vào đội tuyển. Thấy gia đình tôi khó khăn, mấy người bên nội đã yêu cầu bố tôi cho tôi nghỉ học để đi làm ôsin cho chú. Tôi khóc cầu cứu mẹ. Mẹ bảo không đồng ý, vậy là tôi được ở nhà. Gọi là ở nhà nhưng ngay từ khi mẹ mở cửa hàng tôi đã một buổi đi học, 1 buổi đi làm phụ mẹ tôi.
Tôi có thể thay thế mẹ làm nhiều việc, trông em, cơm nước, chợ búa, bán hàng, đi lấy hàng vào buổi tối. Tôi làm cả ngày, hiếm khi được đi chơi, lúc nào cũng bị chửi mắng là đồ ăn bám. Mẹ đề nghị tôi thôi học, bảo gia đình khó khăn quá, con hy sinh cho anh và các em. Tôi đồng ý, khi ấy mới học lớp 7. Tuy nhiên dự định này không được thực hiện vì kinh tế gia đình dần dần khá lên.
Lúc này tôi bắt đầu nhận thức được mọi việc, nhận thức được chuyện trong quá khứ đã xảy ra, tôi hiểu mình “bị” gì. Cố gắng gạt bỏ, cố gắng quên, nhưng nỗi ám ảnh trong tôi ngày càng lớn. Lời bà răn lúc nào cũng văng vẳng bên tai: “Làm thân con gái lấy chữ trinh làm đầu”, “Những đứa con gái thất tiết thì bị gọt đầu bôi vôi”. Tôi sợ, đau khổ, cay đắng, uất hận, không có ai để tâm sự.
Nhiều lúc muốn dò ý tâm sự với mẹ bằng câu chuyện bâng quơ của ai đó, ngay lập tức mẹ có một loạt bài giảng giải với những câu chuyện rùng rợn và số phận bi thảm của những người phụ nữ trót bị làm hại. Tiếp đó là một loạt bài cảnh cáo của mẹ với tôi trước những nguy cơ và cuối cùng là việc cấm đoán tôi trong bất cứ một mối quan hệ nào đó mà mẹ cho là nguy hiểm.
Vậy là tôi im hẳn, ngày càng tuyệt vọng. Tôi dễ bị kích động, lúc nào cũng buồn bã, hay khóc, bắt đầu nghĩ đến cái chết. Tuy vậy tôi vẫn luôn cố gắng làm việc, coi việc giúp đỡ được mẹ là niềm vui, hạnh phúc khi kiếm thêm được cho mẹ những khoản tiền nho nhỏ và hạnh phúc khi mỗi tối muộn trở về với bọc hàng hóa rất khó khăn tôi mới mua được. Tôi cố gắng học nấu ăn, chế biến những món ăn ngon cho mọi người, ao ước được một lần bố khen hay cười với tôi. Bố bệnh ở nhà, ông càng khó tính hơn. Bữa cơm nào của tôi cũng chan nước mắt. Tôi sợ những bữa cơm gia đình, không biết từ khi nào tôi tìm mọi cách để không phải ăn cơm cùng mọi người nữa.
Tôi cứ hay tự hỏi, liệu có phải con của bố mẹ không, hay mẹ đã làm điều gì để mọi người đối xử với tôi như vậy. Tôi vẫn nhớ những lần ốm, dứt cơn sốt là tôi lại tủi thân khóc thầm vì dường như chả có ai buồn quan tâm tới tôi bị làm sao cả. Những trận đòn roi, lời chửi mắng, sỉ nhục của người anh trai vẫn ngày ngày trút lên tôi. Càng ngày tôi càng ước mình được chết. Ra sông nhiều lần, đứng nhìn dòng nước chảy xiết, nghĩ đến mẹ tôi lại tràn nước mắt quay về.
Tôi yêu khi mới 14 tuổi, vì một lý do rất đơn giản là anh không gọi tôi là con này con nọ, không gọi tôi là mày, anh gọi tôi bằng tên và xưng anh. Anh hay hỏi chuyện, nhìn tôi, cười, một việc trong nhà tôi không bao giờ được nhận. Tôi yêu anh chỉ mong có một người để tôn thờ, một chỗ để bám víu. Tôi không dám nghĩ đến việc cho anh biết tình cảm của mình, càng không dám mơ được anh đền đáp tình cảm.
Đời không đơn giản như thế, cái mong ước nhỏ nhoi của tôi nhanh chóng vụt tắt, anh bị đám thanh niên xấu đánh hội đồng phải nhập viện vì một lý do sau này tôi mới biết, đó là “ghen”. Vì sự an toàn của anh, bố đã đưa anh đi xa, tôi xa anh vĩnh viễn, trái đất như sụp dưới chân, tôi đau khổ lơ ngơ trong nhiều năm trời, bạn bè trong lớp gọi tôi là con điên. Cô giáo chủ nhiệm thương vì thấy tôi lúc nào cũng buồn, chỉ riêng bố mẹ không bao giờ biết. Tôi chỉ tỉnh lại sau một lần tai nạn suýt chết, thấy mình chết thật vô nghĩa, tôi thấy ánh mắt lo lắng của mẹ.
Tôi quyết định vực lại tinh thần để sống và vươn lên. Tôi học đại học, ra làm riêng, tự thân lập nghiệp. Bất hạnh tuổi ấu thơ làm ảnh hưởng nhiều đến chuyện tình cảm khiến tôi cũng phải trải qua nhiều trắc trở, bất hạnh, lúc nào cũng sợ bị người ta phán xét, sợ bị thương hại, sợ bị khinh rẻ. Nhiều người tốt, chân thành đến nhưng tôi quá thận trọng, tự khép mình, bỏ qua tình cảm của họ để đến khi tôi yêu thì lại nhầm phải những kẻ không ra sao. Nước mắt tràn trong nhiều đêm cô đơn, có những khoảnh khắc tưởng như tôi gục ngã rồi lại đứng lên, chấp nhận và bỏ qua. Tôi giữ niềm lạc quan với cuộc sống, rồi hạnh phúc cũng mỉm cười khi tôi gặp anh, chồng tôi bây giờ.
Những năm hạnh phúc bên nhau đã gần như xóa hẳn đi trong tôi những ký ức buồn đau ngày cũ. Tôi không còn ghét, không còn hận, không còn nhớ những kỷ niệm buồn về gia đình. Tôi yêu anh, yêu gia đình nhỏ của mình, yêu những bé con xinh đẹp. Dù chưa có nhiều tiền để gửi về phụng dưỡng bố mẹ nhưng suốt những năm qua, chúng tôi thường xuyên dành trọn những ngày nghỉ đưa các con về chơi với ông bà. Chồng tôi rất gần gũi với bố mẹ, thường mua những món đồ bố yêu thích về tặng khi có dịp.
Có những lúc tôi tưởng mình là người hạnh phúc nhất, vậy mà tất cả chỉ như một giấc mơ. Anh bị bệnh, ngồi một chỗ. Sau mấy tháng điều trị chưa kết quả, bé con xinh đẹp của tôi phát hiện bị ung thư, trời đất tối sầm dưới chân tôi. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm tôi ân hận vì ngày xưa sao không dám chết, tôi sống vì thương mẹ để giờ đây lại gieo hậu họa cho con. Phải chăng vì tôi là kẻ nợ đời nên tất cả xung quanh cứ phải bi kịch đến vậy.
Nước mắt có rơi tràn như sông như suối tôi cũng không thể chạy trốn sự thực nghiệt ngã này. Tôi đối diện với đau đớn để cứu con và chồng. Mẹ bảo có gì con báo mẹ, bố bảo cần gì gọi điện báo cho bố. Tôi vâng. Hơn 1 năm trời gần như chỉ có mình tôi vật lộn với số phận, bố mẹ chồng không giúp được gì vì ông bà già yếu, không chịu được nỗi đau; bố mẹ đẻ lên với tôi được vài ngày khi con tôi mổ.
Tôi bảo bố mẹ về vì không muốn ông bà quá lo lắng mà sinh bệnh. Sức người có hạn, một người bệnh đã khổ lắm rồi, đằng này hai người, toàn bệnh nan y, vừa đi làm kiếm tiền vừa chăm lo cho chồng con, với chi phí cực lớn. Ngoài chi phí sinh hoạt, thuốc men, tôi còn phải trả nợ lãi mà hai vợ chồng vay ngoài để mua đất, tính sau này để dành. Khi biến cố xảy ra, họ sợ nên cũng thu hồi luôn. Tôi phải dồn vốn liếng trả họ nên đồng tiền vốn làm ăn cứ cạn dần.
Bao nhiêu năm lập nghiệp nơi xứ người, từ hai bàn tay trắng, việc mua đất xây nhà vợ chồng tôi đều tự lập, sự hỗ trợ của bố mẹ không đáng kể gì. Rồi khi mở cửa kinh doanh, không ai giúp, chúng tôi phải bòn mót từng đồng, xoay sở từ những đồng tiền ít ỏi rồi cũng có chút vốn liếng. Thế thời thay đổi, kinh tế suy thoái, kéo theo cái nghề của chúng tôi rơi vào khủng hoảng nhưng 2 vợ chồng vẫn cần mẫn làm để bù lại. Dù rất muốn nhờ bố mẹ giúp đỡ, hỗ trợ rồi lại không muốn làm bố mẹ lo, tôi lại thôi.
Đến thời điểm này tôi khó thực sự, đất chưa có sổ nên không bán được, nhà bán thì ở đâu, bệnh của con nếu có biến cố phải bán nhà là cái chắc. Giờ bệnh cháu đang ổn định, tôi phải tranh thủ lúc này để làm, chuẩn bị chút tiền phòng khi hữu sự. Việc tôi có nhưng vốn thì không, tôi nghĩ đến bố mẹ, hy vọng ông bà sẽ giúp tôi vay tiền với lãi suất ngân hàng vì nhà bố mẹ tôi có sổ đỏ; vẫn là những lời từ chối phũ phàng. Tôi như bị dội gáo nước lạnh, vậy mà bố bảo cần gì gọi bố, bố bảo nếu để cứu tôi bố có thể cho cả thận của mình.
Tôi không hiểu ông nghĩ gì khi khuyên tôi đừng có làm ăn gì nữa. Tôi không làm, lẽ nào ngồi nhìn chồng con chết? Ông kêu quá mệt mỏi rồi. Tôi biết ông mệt mỏi vì phải báo hiếu cho ông bà nội đã già yếu. Bố mẹ già quan trọng, còn sinh mệnh của con tôi không quan trọng bằng?
Từ ngày đấy đến giờ, gần nửa năm trôi qua, ông không một lần gọi điện, không một lần rẽ qua thăm cháu và con rể đang bệnh. Tôi vẫn một mình như muôn đời vẫn thế, lầm lũi lo toan và cầu khẩn ông trời hãy thương xót chồng con mình. Tôi thấy cuộc đời mình thật đắng cay. Những ngày khổ đau một mình chăm chồng chăm con trong bệnh viện, người bên tôi không phải người thân trong gia đình mà lại là những người hàng xóm, con tôi sống ngày qua ngày trong sự chăm sóc của họ chứ không phải của ông bà. Khi bố mẹ quay lưng từ chối, người giúp tôi tiền bạc để làm ăn lại cũng là họ. Tôi thấy nợ và mang ơn họ quá nhiều.
Giờ trong lòng tôi thấy buồn bố mẹ vô cùng. Tôi không muốn gọi điện cho ông bà, mọi thông tin khả quan về bệnh tình của chồng con tôi cũng không còn muốn chia sẻ. Cứ nghĩ đến bố mẹ tôi lại khóc, những ký ức tuổi thơ đau đớn lại trở về trong tâm trí, ý nghĩ bố mẹ không thương yêu đã xóa bỏ trong tôi bao năm nay tự dưng quay lại. Tôi không biết những suy nghĩ của mình có đúng không?
Tôi biết bố mẹ già rồi nhưng cũng biết bố mẹ vẫn còn tinh lắm. Trách bố mẹ làm tôi thấy lòng mình đau như cắt, nhưng để yêu thương hướng về thì tôi thấy mình không thể. Những đêm như đêm này đây nước mắt tôi cứ tràn ra không ngừng, muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi về tình cảm của bố mẹ dành cho mình. Ít nhất tôi cũng muốn mình có một điểm tựa.
Theo: Vnexpress.vn - Hoài